한국어 English 日本語 中文简体 Deutsch Español हिन्दी Português Русский Đăng nhậpĐăng ký

Đăng nhập

Xin hoan nghênh!

Cảm ơn quý vị và các bạn đến với trang Web của
Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới.

Bạn có thể đăng nhập để sử dụng menu dành riêng cho hội viên.
Đăng nhập
Tên truy nhập
Mật khẩu

Bạn đã quên mật khẩu chăng? / Đăng ký

Q. Kinh Thánh phán rằng “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý yêu mến Đức Chúa Trời.” Vậy có phương pháp cụ thể nào để thực tiễn điều này không?

A. Người Pharisi đã thử Đức Chúa Jêsus bằng câu hỏi “Điều răn nào là lớn hơn hết trong luật pháp?” Đức Chúa Jêsus trả lời rằng “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.” Và Ngài phán tiếp rằng “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.” và rằng hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra (Mathiơ 22:35-41). Bởi đó, Đức Chúa Jêsus giải nghĩa rằng trọng tâm cốt lõi nhất trong luật pháp của Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và mục đích tối cao vì sao Đức Chúa Trời lập ra luật pháp giao ước cũ lẫn giao ước mới và phán lệnh chúng ta phải giữ cũng là tình yêu thương.

Chúng ta không thể giữ điều răn thứ nhất mà Đức Chúa Jêsus đã dạy nếu chỉ có ý nghĩ mơ hồ rằng chúng ta yêu Đức Chúa Trời. Nếu không hiểu được lẽ thật sâu nhiệm này của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ dần đi thờ lạy các thần khác trong khi không hay biết dù môi miệng vẫn xưng rằng tin Đức Chúa Trời, yêu Đức Chúa Trời. Trên thực tế, nhiều người đang làm hành động ấy. Vậy thì, cái gì là lẽ thật cho phép chúng ta đạt được điều răn thứ nhất mà Đức Chúa Jêsus đã phán? Nói trước kết luận thì, đó là “Lễ Vượt Qua giao ước mới”.

Lễ Vượt Qua làm cho chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời trọn vẹn
Trong Kinh Thánh, có ghi chép về một người đã được Đức Chúa Trời công nhận là người yêu mến Đức Chúa Trời hết lòng, hết ý.

II Các Vua 23:25 “Trước Giôsia, chẳng có một vua nào hết lòng, hết ý, hết sức mình, mà tríu mến Đức Giêhôva, làm theo trọn vẹn luật pháp của Môise; và sau người cũng chẳng có thấy ai giống như người nữa.”

Việc Giôsia đã hết lòng, hết ý, hết sức mình mà tríu mến Đức Giêhôva, làm theo “trọn vẹn hết thảy” luật pháp của Đức Chúa Trời nghĩa là ông đã giữ được điều răn “Hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Đức Chúa Trời.”, là điều răn thứ nhất mà hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều từ đó mà ra. Lý do Giôsia đã được ngợi khen rằng vâng giữ điều răn thứ nhất và làm theo trọn vẹn hết thảy luật pháp của Đức Chúa Trời là vì ông đã giữ Lễ Vượt Qua.

II Các Vua 23:21-23 “Vua bèn truyền lịnh cho cả dân sự rằng: Hãy giữ lễ Vượt qua cho Giêhôva Đức Chúa Trời của các ngươi, tùy theo các lời đã chép trong sách giao ước. Trong lúc các quan xét đã xét đoán Ysơraên, hoặc trong đời các vua Ysơraên và vua Giuđa, thật chẳng hề có giữ một lễ Vượt qua nào giống như lễ Vượt qua giữ cho Đức Giêhôva tại Giêrusalem, nhằm năm thứ mười tám đời vua Giôsia.”

Trong lịch sử Ysơraên, không ai giữ được Lễ Vượt Qua một cách triệt để như Giôsia đã làm. Bởi giữ Lễ Vượt Qua, Giôsia đã được khen ngợi từ Đức Chúa Trời rằng dù trước hay sau Giôsia, chẳng có vua nào tríu mến Đức Chúa Trời như Giôsia bằng hết lòng, hết linh hồn mà làm theo hết thảy luật pháp. Việc này có nghĩa là ông đã giữ được điều răn thứ nhất và lớn hơn hết mà Đức Chúa Jêsus đã phán. Điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta có thể nhận được lời chứng của Đức Chúa Trời rằng đã hoàn toàn vâng giữ điều răn thứ nhất khi chúng ta giữ Lễ Vượt Qua như Giôsia đã làm.

Kể từ thời điểm khi Đức Chúa Trời lần đầu tiên ban bố luật pháp, Ngài đã cho biết rõ ràng rằng Lễ Vượt Qua và điều răn thứ nhất có mối quan hệ không thể tách rời.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4-8 “Hỡi Ysơraên! hãy nghe: Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta là Giêhôva có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ.”

Đức Chúa Trời đã dặn dân Ngài hãy buộc điều răn thứ nhất này, là “Hãy hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Đức Chúa Trời.” trên tay mình và để giữa hai con mắt như ấn chỉ. Và lời này cũng áp dụng cho Lễ Vượt Qua y hệt như vậy.

Xuất Êdíptô Ký 13:8-9 “Trong ngày đó hãy giải nghĩa cho con trai ngươi rằng: Ấy vì việc Đức Giêhôva làm cho ta, khi ta ra khỏi xứ Êdíptô. Điều đó sẽ làm một dấu hiệu nơi tay ngươi, làm một kỷ niệm ghi nơi trán ở giữa cặp mắt ngươi, hầu cho luật pháp của Đức Giêhôva ở nơi miệng ngươi...”

Ngày mà dân Ysơraên ra khỏi đất Êdíptô thoát kiếp nô lệ chính là ngày Lễ Vượt Qua. Vào ngày đó, Đức Chúa Trời đã hủy diệt con đầu lòng của dân Êdíptô và đã cứu con đầu lòng của dân Ysơraên. Đức Chúa Trời đã phán họ hãy lấy Lễ Vượt Qua, là sự kỷ niệm công cuộc cứu rỗi của Đức Chúa Trời, “làm một dấu hiệu nơi tay và một kỷ niệm ghi nơi trán”, giống lời trong Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 6, và điều này rốt cuộc có nghĩa rằng điều răn thứ nhất “Hãy hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời.” chính là Lễ Vượt Qua.

Xuất Êdíptô Ký 13:3-4 “Môise nói cùng dân sự rằng: Hãy kỷ niệm ngày nầy, vì là ngày Đức Giêhôva dùng tay quyền năng rút các ngươi ra khỏi xứ Êdíptô, tức là khỏi nhà nô lệ; nên chớ ai ăn bánh có men. Ngày nay, nhằm tháng lúa trỗ, các ngươi ra đi.”

Xuất Êdíptô Ký 20:1-3 “Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán mọi lời nầy, rằng: Ta là Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Êdíptô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.”

Đức Chúa Trời tuyên bố cùng một nội dung tại lời mở đầu của Lễ Vượt Qua và của điều răn thứ nhất. Và khi Ngài giải thích lý do chúng ta phải giữ điều răn thứ nhất, vừa chỉ về Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Trời vừa phán cùng một nội dung với ý nghĩa rằng “Chẳng phải Ta là Đấng đã giải cứu các ngươi ra khỏi xứ Êdíptô, là nhà nô lệ sao? Thế nên các ngươi chớ hầu việc các thần khác nhưng chỉ hầu việc riêng mình Ta vào ngày Lễ Vượt Qua, hãy kỷ niệm và giữ Lễ Vượt Qua, là ngày Ta đã giải cứu các ngươi.” Tự bản thân Lễ Vượt Qua là điều răn thứ nhất.

Lễ Vượt Qua hủy diệt các thần khác
Chúng ta có thể thực hiện điều răn thứ nhất khi chúng ta giữ Lễ Vượt Qua, vì Đức Chúa Trời hủy diệt các thần khác vào ngày Lễ Vượt Qua.

Xuất Êdíptô Ký 12:11-12 “... ấy là lễ Vượt qua của Đức Giêhôva. Đêm đó ta sẽ đi qua xứ Êdíptô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Êdíptô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Êdíptô; ta là Đức Giêhôva.”

Đức Chúa Trời đã chỉ định ngày Lễ Vượt Qua là ngày phán xét mọi thần trên thế gian. Thế nên, vào lúc chúng ta giữ Lễ Vượt Qua, tất cả các thần không phải là Đức Chúa Trời chân thật đều bị hủy diệt, chúng ta có thể trừ bỏ hoàn toàn các thần khác và chỉ hầu việc riêng Đức Chúa Trời và hết lòng yêu mến Ngài. Rốt cuộc, chúng ta có thể vâng phục trọn vẹn điều răn thứ nhất.

II Các Vua 23:1-4 “Vua bèn sai người nhóm hiệp hết thảy những trưởng lão Giuđa và Giêrusalem. Đoạn, vua đi lên đền thờ Đức Giêhôva, có hết thảy người Giuđa, cả dân cư Giêrusalem, những thầy tế lễ, đấng tiên tri, cùng cả dân sự, vô luận nhỏ lớn, đều đi theo người. Người đọc cho chúng nghe các lời của sách giao ước, mà người ta đã tìm được trong đền thờ của Đức Giêhôva. Vua đứng trên tòa, lập giao ước trước mặt Đức Giêhôva, hứa đi theo Đức Giêhôva, hết lòng hết ý gìn giữ những điều răn, chứng cớ, và luật lệ của Ngài, và làm hoàn thành lời giao ước đã chép trong sách này. Cả dân sự đều ưng lời giao ước ấy. Vua bèn truyền lịnh cho thầy tế lễ thượng phẩm Hinhkia, cho mấy thầy phó tế, và các người giữ cửa đền thờ, cất khỏi đền thờ của Đức Giêhôva hết thảy những khí giới người ta làm đặng cúng thờ Baanh, Áttạttê, và cả cơ binh trên trời. Người bảo thiêu các vật đó ngoài Giêrusalem, trong đồng ruộng Xếtrôn, rồi đem tro nó đến Bêtên.”

II Các Vua 23:21-24 “Vua bèn truyền lịnh cho cả dân sự rằng: Hãy giữ lễ Vượt qua cho Giêhôva Đức Chúa Trời của các ngươi, tùy theo các lời đã chép trong sách giao ước. Trong lúc các quan xét đã xét đoán Ysơraên, hoặc trong đời các vua Ysơraên và vua Giuđa, thật chẳng hề có giữ một lễ Vượt qua nào giống như lễ Vượt qua giữ cho Đức Giêhôva tại Giêrusalem, nhằm năm thứ mười tám đời vua Giôsia. Giôsia cũng trừ diệt những đồng cốt và thầy bói, những thêraphim, và hình tượng, cùng hết thảy sự gớm ghiếc thấy trong xứ Giuđa và tại Giêrusalem, đặng làm theo các lời luật pháp đã chép trong sách mà thầy tế lễ Hinhkia đã tìm đặng trong đền thờ của Đức Giêhôva.”

Việc này xảy ra vào năm thứ mười tám đời vua Giôsia khi ông giữ Lễ Vượt Qua. Dù ông đã tin Đức Chúa Trời trước đó và đã cho rằng mình sống theo như ý muốn của Đức Chúa Trời, nhưng ông đã hầu việc các thần khác mà không hay biết. Chỉ sau khi ông nhận ra lẽ thật Lễ Vượt Qua thì mắt linh hồn ông đã được mở và trừ diệt hết thảy hình tượng.

Sự việc tương tự cũng xảy ra ở thời vua Êxêchia. Êxêchia - vua Giuđa đã giữ Lễ Vượt Qua cùng người dân của mình dù đã không giữ trong thời gian dài, và những người giữ Lễ Vượt Qua đã phá hủy các hình tượng gớm ghiếc mà họ đã dùng cho tới trước đó (II Sử Ký 30:1, II Sử Ký 31:1). Như vậy, Lễ Vượt Qua là lẽ thật làm cho chúng ta được hết lòng mà hầu việc và yêu mến chỉ riêng Đức Chúa Trời, bởi sự hủy diệt các thần khác.

Lễ Vượt Qua của giao ước mới
Thông qua luật pháp và lịch sử Ysơraên, Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể vâng giữ điều răn thứ nhất “Hãy hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời.” chỉ khi giữ Lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, bởi Lễ Vượt Qua của Cựu Ước mà được giữ bằng huyết chiên con, chúng ta không thể vâng theo điều răn thứ nhất và lớn hơn hết mà Đức Chúa Jêsus đã phán. Bởi vì chúng ta không thể hoàn toàn hiểu ra sự hy sinh của Đức Chúa Trời thông qua hy sinh của thú vật, nên chúng ta không thể hết ý mà yêu mến Đức Chúa Trời.

Lễ Vượt Qua của Cựu Ước là hình và bóng cho chúng ta biết trước về Lễ Vượt Qua của giao ước mới mà sẽ được lập nên vào thời đại Tân Ước (Hêbơrơ 10:1, Côlôse 2:17). Để cho chúng ta biết sự vĩ đại đến thể nào của lẽ thật giao ước mới sẽ được lập trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã làm ra lịch sử của Cựu Ước như hình bóng.

Đức Chúa Jêsus - thực thể của chiên con Lễ Vượt Qua là Đức Chúa Trời - Đấng chí cao trong toàn vũ trụ. Đức Chúa Trời đã đến trái đất này để cứu các tội nhân - những kẻ bị định tội chết khỏi sự tội và sự chết. Ngài đã chịu bị nhạo báng, khinh dể và miệt thị từ những kẻ ác. Ngài chịu bị đòn roi và bị đâm vết bởi mão gai, và gánh chịu nỗi đau tột cùng khi đổ huyết trên cây thập tự. Lẽ thật mà nhờ đó chúng ta có thể nhận ra sự hy sinh và tình yêu thương của Đức Chúa Trời chính là Lễ Vượt Qua giao ước mới. Trong bánh và rượu nho của Lễ Vượt Qua, có chứa đựng sự hy sinh và tình yêu chí thánh của Đức Chúa Trời, Đấng đã xẻ thịt và đổ huyết của Ngài để cứu chúng ta (I Côrinhtô 5:7, Mathiơ 26:17-28)

Như đã được xem thấy thông qua Lễ Vượt Qua của Cựu Ước - là bóng, Lễ Vượt Qua của giao ước mới là lẽ thật làm cho chúng ta hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Đức Chúa Trời, là Đấng đã cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi. Khi chúng ta giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới và lấp đầy tấm lòng bằng tình yêu thương chí thánh của Đức Chúa Trời, thì chẳng có thần nào khác kể cả Satan có thể chiếm lấy tấm lòng chúng ta.

Do đó, chúng ta không được xem Lễ Vượt Qua chỉ như là một trong các ngày lễ khi dâng thờ phượng vào ngày ấy. Chúng ta phải ấp ủ tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong tấm lòng bằng việc coi trọng Lễ Vượt Qua và giữ nên thánh. Và tiến thêm nữa, hãy làm cho cả thế giới biết cách thực sự yêu mến Đức Chúa Trời. Đó chính là cách chúng ta có thể hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Đức Chúa Trời, và yêu thương người lân cận như mình, nhờ đó có thể làm theo trọn vẹn luật pháp.