Nghiêm cấm in ấn và phổ biến Văn bản giảng đạo. Xin vui lòng ghi khắc ân huệ đã được nhận trong lòng và tỏa ra hương khí SIôn.
Hãy Trung Tín với Đức Chúa Trời Cho Đến Cuối Cùng
Tất thảy chúng ta đang trông mong được đi vào Nước Thiên Đàng, nơi có sự sống đời đời, nhờ đức tin vào Đức Chúa Trời. Để nhận được sự sống đời đời ấy, thì mỗi chúng ta cần phải có hành vi cố gắng nỗ lực hết sức. Đâu phải tự nhiên chúng ta nhận được mão triều thiên của sự sống nếu không nỗ lực gì. Chỉ người nào có đức tin quyết tâm trung tín với Đức Chúa Trời cho đến cuối cùng và giữ trọn vẹn đức tin ấy thì mới nhận được mão triều thiên của sự sống.
Trên thế gian này có nhiều người dầu có hình dáng bề ngoài tin kính nhưng lại không có năng lực của sự tin kính. Họ là những người có vẻ bề ngoài tin vào Đức Chúa Trời, nhưng thực ra lại không có đức tin nên rất dễ bị vấp ngã. Khi thử thách về đức tin đến như lũ lụt, hoặc như mưa bão lớn thổi tạt đến, thì họ bị ngã sụp một cách bất lực như ngôi nhà được xây trên cát.
Tuy nhiên, những người luôn quyết tâm rằng “Tôi sẽ trung thành với Đức Chúa Trời cho đến cuối cùng” và xây dựng vững chắc đức tin của bản thân mình, sẽ không bao giờ sụp đổ dù bất cứ gió bão thử thách nào thổi đến, và cũng không bị lung lay tư thế đức tin mà chỉ trông cậy vào riêng Đức Chúa Trời. Thử thách và khổ nạn càng đến gần, thì những người như thế lại càng đứng vững vàng bởi đức tin vững chắc và mạnh mẽ hơn, nên họ sẽ trở thành những người có tên vinh hiển được nhận mão triều thiên sự sống vào những ngày sau rốt.
Mệnh lệnh phán xuống đạo binh trên trời
Kinh Thánh đang rao truyền ý muốn dặn dò khẩn thiết của Đức Chúa Trời cho chúng ta, là những người sống vào thời đại cuối cùng này thông qua sự mặc thị.
Khải Huyền 2:10 “Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ… Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống.”
Đây là lời của thiên sứ trưởng Michen, là Đấng đã đuổi kẻ thù ma quỉ xuống khỏi trời. Đây là lời khuyến khích, cũng là lời dặn dò chúng ta hãy chiến đấu với ma quỉ cho đến cuối cùng trên đất này và giành thắng lợi để lại được trở về quê hương Nước Thiên Đàng. Có thể coi đây chính là quân lệnh mà thiên sứ trưởng Michen, tức là quan tướng đạo binh trên trời, phán xuống từ đạo binh trên trời.
Trong đạo binh, khi quan tư lệnh truyền lệnh tấn công thì phải tấn công, khi quan tư lệnh hạ lệnh rút quân thì toàn thể quân lính phải rút lui không một chút sai sót nào. Chúng ta là đạo binh trên trời, tôn Đức Chúa Jêsus, thiên sứ trưởng Michen, Đấng hô lệnh ngàn vạn thiên sứ, làm quan tướng đạo binh.
Vào đêm trước khi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, khi trông thấy một bọn đông người đến bắt Đức Chúa Jêsus, Phierơ đã tức giận rút gươm, cắt đứt tai của một người trong bọn đó, để bảo vệ Đức Chúa Jêsus yêu dấu. Lúc ấy, Đức Chúa Jêsus đã can ngăn và phán với Phierơ rằng “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?” (Mathiơ 26:53).
Tại đây “đạo” là đơn vị tính của đạo binh La Mã, được phái đến nước Do Thái, vào đương thời Đức Chúa Jêsus. Một “đạo” tối thiểu là một nghìn người. Vậy nên mười hai đạo có nghĩa là đạo binh Nước Thiên Đàng có tới hơn mười hai nghìn người. Cho nên, câu trên có nghĩa là chỉ cần một câu lệnh của Đức Chúa Jêsus thì nhiều đạo binh trên trời có thể xuống để bảo vệ Ngài.
Vào thời đấng tiên tri Êlisê, Đức Chúa Trời cũng cho thấy đạo binh trên trời. Khi đạo binh của vua Syri bao vây thành Đôthan, là nơi Êlisê đang ở, thì người đầy tớ Ghêhaxi đã rất run rẩy kinh hãi mà báo cáo lại với Êlisê. Tuy nhiên, Êlisê đã nói với Ghêhaxi rằng “Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.” (II Các Vua 6:16) rồi cầu nguyện lên Đức Chúa Trời rằng “Đức Giêhôva ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được.”
Ngay sau lời cầu nguyện của Êlisê kết thúc, mắt linh hồn của Ghêhaxi được mở ra, và ông được thấy rằng đạo binh trên trời còn đông hơn quân địch, đang bảo vệ quân mình. Đạo binh trên trời thế này luôn đi theo sau Đức Chúa Jêsus và chờ đợi Đức Chúa Jêsus hạ lệnh. Đức Chúa Jêsus, tức là thiên sứ trưởng Michen ấy, đang phán mệnh lệnh cho chúng ta rằng “Khá giữ trung tín cho đến chết.”
Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta trở thành người thông sáng và trung tín
Vậy chúng ta hãy tìm hiểu về sự trung tín mà Đức Chúa Trời mong muốn, và phương pháp để có thể giữ trung tín cho đến chết.
Mathiơ 25:14-30 “Vả, nước thiên đàng sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy tớ mà giao của cải mình. Chủ đó cho người nầy năm talâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường… Lạy chúa, chúa đã cho tôi năm talâng; đây nầy, tôi làm lợi ra được năm talâng nữa. Chủ nói với người rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi… Người chỉ nhận một talâng cũng đến mà thưa rằng… đi giấu talâng của chúa ở dưới đất… Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia…”
Đối với người được nhận năm talâng và làm lợi thêm nhiều trái, cùng người được nhận hai talâng và làm lợi thêm trái, thì Đức Chúa Trời đã khen rằng họ là đầy tớ ngay lành và trung tín. Tuy nhiên, đối với đầy tớ chỉ giấu kỹ một talâng đã được nhận mà không làm bất cứ việc gì cả, thì Đức Chúa Trời trách mắng rằng đó là đầy tớ dữ và biếng nhác. Đức Chúa Trời đã phân biệt giữa đầy tớ trung tín và đầy tớ dữ.
Người đầy tớ dữ không làm lợi thêm bất cứ trái nào với một talâng đã được nhận từ Đức Chúa Trời. Nên khi Đức Chúa Trời tính toán lợi ích phần linh hồn thì đầy tớ dữ đã bị đòi lại ngay cả một talâng mình đang có, rơi vào tình cảnh khốn khổ bị đuổi đi với hai bàn tay trắng. Chúng ta không nên giấu đi talâng đã nhận được như vậy để đến nỗi phải đón nhận kết cục bất hạnh là bị đòi lại talâng.
Những thánh đồ giữ trung tín cho đến chết là những thánh đồ tham dự vào Tin Lành giống người nhận được năm talâng. Họ là những thánh đồ siêng năng rao truyền Tin Lành ở tiền tuyến, là những thánh đồ giúp đỡ anh chị em khác nhiều mà không tỏ vẻ cho người khác thấy, là những thánh đồ đồng tham vào việc kết trái Tin Lành bằng rất nhiều phương cách để Tin Lành được tốt đẹp. Hơn nữa, các con cái trung tín luôn mong muốn dâng hiến lên Đức Chúa Trời trái mà Ngài đẹp lòng, cho nên phàm sự gì cũng cầu nguyện trước rồi mới làm, sự siêng năng của họ được tỏ ra như thế. Khi trông thấy những người như vậy, Đức Chúa Trời sẽ khen ngợi và chúc phước cho người thật nhiều trái hơn.
Mathiơ 24:45-51 “Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà người chủ đặt cai trị đầy tớ mình, đặng cho đồ ăn đúng giờ? Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi sóc cả gia tài mình. Nếu, trái lại, là một đầy tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm, bèn đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu, thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết. Chủ sẽ đánh…”
Khi trông thấy các con cái chia sẻ lời của Đức Chúa Trời bằng lòng nhiệt huyết cháy bỏng chỉ vì Tin Lành, thì Đức Chúa Trời Cha sẽ giao phó tất thảy gia tài của Nước Thiên Đàng cho các con cái ấy, và yên ủi nỗi khổ nhọc, vất vả của các con cái ấy với phần thưởng và sự ngợi khen vào ngày Cha giáng lâm.
Tuy nhiên đầy tớ dữ quên béng lời dặn dò của người chủ, ham mê những trò tiêu khiển và giải trí của thế gian, hay rượu chè, và khinh dễ lời phán và lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, không tiếp nhận một cách ân huệ lời khuyên dỗ truyền đạo, ngược lại còn nhạo báng lời ấy, nên rốt cục phải rơi vào hoàn cảnh không thể được tha thứ. Đầy tớ dữ chỉ bị cuốn vào những trò tiêu khiển hiện tại, chỉ theo đuổi thú vui tạm thời trước mắt, mà không nhận ra Tin Lành quí giá biết bao nhiêu, cũng không biết lo lắng cho tương lai của những linh hồn đáng thương sẽ phải chịu đau đớn đời đời trong hồ lửa diêm sinh.
Sở dĩ Đức Chúa Trời cho ghi chép lời giáo huấn như vậy trong Kinh Thánh là vì muốn chúng ta không trở thành đầy tớ dữ. Đây chính là lời phán khẩn thiết chứa đựng tình yêu thương tràn đầy của Đức Chúa Trời, để tất thảy chúng ta được trở thành đầy tớ trung tín và khôn ngoan, chứ không phải đầy tớ dữ, và được nghe lời khen ngợi của Đức Chúa Trời vào ngày Cha giáng lâm rằng “Hỡi các con cái trung tín và khôn ngoan! Các con thật xứng là thầy tế lễ nhà vua của Nước Thiên Đàng!”.
Hãy cầu xin sự khôn ngoan có thể kết được nhiều trái tốt
Mục tiêu truyền đạo của chúng ta là cứu rỗi linh hồn bằng cách rao truyền lời sự sống của Đức Chúa Trời. Truyền đạo không phải được thực hiện chỉ bởi cách rao truyền lời. Có rất nhiều người nhận ra rằng chúng ta là những người được Đức Chúa Trời sai đến do thấy từ chúng ta tỏa ra hương khí của Đấng Christ, và đi theo chúng ta trước khi được nghe lời rao truyền. Phải nhanh chóng tìm ra các anh chị em bị lạc mất thì mới có thể đi vào Nước Thiên Đàng, nên chúng ta, là những người trông mong Nước Thiên Đàng, phải cầu xin lên Đức Chúa Trời sự khôn ngoan có thể kết được nhiều trái tốt.
Châm Ngôn 9:10 “Kính sợ Đức Giêhôva, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng.”
Có hai cương lệnh hành động cụ thể mà chúng ta phải thực tiễn để trở thành đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Thứ nhất là siêng năng truyền đạo để kết nhiều trái Tin Lành, là hành động trung thành, thứ hai là biết kính sợ Đức Chúa Trời mà nhận lãnh sự khôn ngoan thông qua sự hầu việc Đức Chúa Trời một cách đúng đắn. Sự khôn ngoan là một món quà quý giá chỉ được ban cho từ Đức Chúa Trời, chứ không phải do bản thân loài người tạo ra.
Không phải vua Salômôn, vua của sự khôn ngoan, đã khôn ngoan ngay từ giây phút lên ngôi vua đâu. Sự khôn ngoan là năng lực mà Salômôn được nhận từ Đức Chúa Trời, khi dâng một ngàn con sinh làm của lễ thiêu lên Đức Chúa Trời và cầu xin phước lành lên Ngài, sau khi lên ngôi vua. Salômôn đã không cầu xin phước lành quyền lực hoặc sự trường thọ, hoặc sức khỏe của bản thân, mà chỉ cầu xin sự khôn ngoan để có thể dẫn dắt một cách đúng đắn những người dân mà Đức Chúa Trời giao phó cho mình. Đức Chúa Trời đã rất vui lòng với ước nguyện ấy của Salômôn, và không chỉ ban cho Salômôn sự khôn ngoan mà vua đã cầu xin, mà còn ban cho cả phú quí và vinh hoa nữa. Nhờ làm như vậy mà Salômôn, người nổi tiếng là khôn ngoan nhất, đã được nhận lãnh tất thảy mọi sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời.
I Các Vua 3:3-14 “Trên bàn thờ đó Salômôn dâng một ngàn con sinh làm của lễ thiêu. Tại Gabaôn, lúc ban đêm, Đức Giêhôva hiện đến cùng Salômôn trong cơn chiêm bao, và phán với người rằng: Hãy xin điều gì ngươi muốn ta ban cho ngươi… Vậy, xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để xét đoán dân sự Ngài và phân biệt điều lành điều dữ… ta đã làm theo lời cầu xin của ngươi, ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan thông sáng, đến đỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, và sau ngươi sẽ chẳng có ai ngang…”
Như vậy kính sợ Đức Chúa Trời là khởi đầu sự khôn ngoan; sự nhìn biết Đấng Thánh là sự thông sáng. Khi cầu nguyện khẩn thiết lên Đức Chúa Trời với suy nghĩ rằng “Đâu là con đường vì Đức Chúa Trời? Đâu là con đường vì Hội Thánh? Đâu là con đường vì Tin Lành?” thì sẽ nhận được sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời.
Khải Huyền 3:15-16 “Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta.”
Đức tin hoặc công việc của ai đó không lạnh cũng không nóng, và lại hâm hẩm thì ấy là người không có lòng nhiệt tình. Nếu không có lòng nhiệt tình muốn kết trái, cũng không có ý chí thì linh hồn ấy đang bị đặt trong tình trạng nguy hiểm. Cho nên, tất thảy thánh đồ của Siôn đều phải có nhiệt tình nóng bỏng và phải cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan có thể kết trái.
Hơn nữa, tôi cũng mong tất thảy các hội trưởng, địa vực trưởng và khu vực trưởng, là những người đi trước dẫn dắt các anh chị em, cũng được kết thật nhiều trái của cá nhân họ, để trở thành người giúp việc của Tin Lành có lòng nhiệt tình hơn nữa. Những người lãnh đạo đương nhiên dành nhiều tình yêu thương và lòng thành để chăm sóc các trái của các anh chị em khác, tuy nhiên, việc bản thân họ trực tiếp kết trái cũng rất quan trọng. Nếu cứ chỉ chăm sóc các anh chị em khác mà không kết được trái của cá nhân họ, thì đôi khi sẽ trở nên nản lòng, hoặc chỉ biếng nhác nhìn trái mà các anh chị em khác kết, khiến họ dễ dàng lơ là bỏ qua việc trực tiếp truyền đạo để kết trái. Tôi mong tất thảy những người đi trước đều làm gương hơn nữa trong việc kết trái để khiến Đức Chúa Trời vui lòng và gom góp được nhiều phước lành trên Nước Thiên Đàng.
Trong lời ví dụ Kinh Thánh, sở dĩ người được nhận năm talâng có thể làm lợi ra và giữ được mười talâng không phải là vì anh ta chỉ ngồi yên và bảo quản khư khư năm talâng đã được nhận đâu. Mà đó là kết quả của việc anh ta đã làm việc siêng năng để làm người chủ vui lòng bởi anh ta biết rõ người chủ muốn điều gì. Vì đã siêng năng như vậy, nên anh ta đã được gọi là người trung tín và khôn ngoan, lại được ngồi ở vị trí phước lành được nhận nhiều phần thưởng.
Cả đầy tớ trung tín lẫn đầy tớ dữ đều là những người giúp việc Tin Lành đã được Đức Chúa Trời gọi. Tuy nhiên, suy nghĩ của mỗi người đều khác nhau, và thái độ làm việc cũng rất khác nhau. Đầy tớ trung tín chân thành làm việc với lòng nhiệt huyết. Còn đầy tớ dữ biếng nhác và đại lãn cứ để thời gian trôi qua với suy nghĩ biếng nhác né tránh công việc, để rồi cuối cùng phải chịu kết cục bi thảm.
Chúng ta hãy cống hiến tất thảy thời gian và năm tháng còn lại chẳng bao lâu cho việc siêng năng rao truyền Tin Lành theo ý muốn vui lòng của Đức Chúa Trời. Chẳng phải việc khiến Đức Chúa Trời vui lòng cũng chính là việc khiến chúng ta vui lòng hay sao? Vào giờ phút này, nếu có bất cứ tâm linh nào đang chán nản hoặc chìm lắng xuống thì hãy dạn dĩ đốt cháy ngọn lửa Tin Lành một lần nữa.
Đừng chờ đợi các anh chị em khác đứng tiên phong trong việc truyền đạo, mà chính bản thân mình phải trở thành quả cầu lửa nóng bỏng để làm tấm gương cho tất thảy mọi anh chị em. Quả cầu lửa mà ở bên cạnh thì đương nhiên tất thảy mọi thứ xung quanh sẽ bén lửa. Tôi mong tất thảy các anh chị em Siôn hãy trung tín với Đức Chúa Trời cho đến cuối cùng bằng lòng nhiệt huyết có thể đốt cháy ngọn lửa Tin Lành của tất thảy Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Hội Thánh của mình, để kết được nhiều trái tốt.
Tuyệt đối đừng từ bỏ lòng nhiệt huyết. Không có lòng nhiệt huyết thì không thể làm được bất cứ việc gì. Chúng ta cũng đừng viện cớ điều kiện và hoàn cảnh xung quanh. “Số lượng các anh chị em rất ít”, “Số lượng người truyền đạo rất ít”, “Khu vực chúng tôi có vấn đề.” v.v…. Tất thảy những nội dung này không thể trở thành điều kiện cản trở Tin Lành.
Dù chỉ một người có tâm linh đốt cháy, thì ngọn lửa ấy sẽ bén lửa sang những anh chị em khác, bén lửa sang Hội Thánh lân cận, hơn nữa có thể bén lửa sang tất thảy các Hội Thánh. Vấn đề nằm ở chính suy nghĩ rằng “Không được!”. Nếu suy nghĩ rằng không được thì không những làm nguội lạnh nhiệt huyết của bản thân mà còn của các anh chị em khác nữa.
Thông qua sự mặc thị, sứ đồ Giăng đã nhìn thấy trước mười bốn vạn bốn ngàn đang nhóm hiệp trên núi Siôn. Đây là việc Đức Chúa Trời đã sắm sẵn để được hoàn thành, thì sao có thể thất bại được đây? Đức Chúa Trời đã hứa rằng sẽ đặt chúng ta ở đằng đầu, chớ chẳng phải đằng đuôi, nên chúng ta hãy có lòng tự hào và tự tin. Suy nghĩ rằng “Không được!” của một người tạo ra những đầy tớ dữ. Nhưng Siôn là nơi đào tạo bồi dưỡng những đầy tớ ngay lành và trung tín.
Tất thảy mọi chúng ta đều phải tham gia vào công việc Tin Lành Nước Thiên Đàng bằng bất cứ hình thái nào để trở thành người giúp đỡ. Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải trở thành thầy tế lễ của Tin Lành, giữ trung tín cho đến chết bằng nhiệt huyết nóng bỏng ở ngay vị trí và lĩnh vực của mình. Tôi mong tất thảy các anh chị em đều trở thành con trai con gái trung tín, khôn ngoan và chân thật của Đức Chúa Trời, biết dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời bằng cách kết nhiều trái tốt đẹp và ân huệ.