Nghiêm cấm in ấn và phổ biến Văn bản giảng đạo. Xin vui lòng ghi khắc ân huệ đã được nhận trong lòng và tỏa ra hương khí SIôn.
Người Được Đức Chúa Trời Lựa Chọn
Đức Chúa Trời đang gọi chúng ta làm người đồng liêu trung tín của công việc cứu rỗi có ý nghĩa, dẫn dắt những linh hồn đang chạy trên đường huỷ diệt, được đến đường Nước Thiên Đàng. Nhờ đó, chúng ta đang cầm cây gậy của Môise, phân rẽ biển thế gian và đi ra để nhận phước lành mà Đức Chúa Trời ban cho. Vậy khi gọi các dũng sĩ của lẽ thật, tiêu chuẩn lựa chọn của Đức Chúa Trời là gì?
Ý muốn của Đức Chúa Trời lựa chọn dũng sĩ Ghêđêôn
Trước tiên, thông qua nội dung trong Kinh Thánh ghi chép về quá trình lựa chọn những dũng sĩ Ghêđêôn, chúng ta hãy tìm hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời lựa chọn dũng sĩ của lẽ thật.
Các Quan Xét 7:1-8 “… Đức Giêhôva phán cùng Ghêđêôn rằng: Đạo binh đi theo ngươi lấy làm đông quá, ta chẳng phó dân Mađian vào tay nó đâu, e Ysơraên đối cùng ta tự khoe mà rằng: Tay tôi đã cứu tôi. Vậy bây giờ, hãy truyền lịnh nầy cho bá tánh nghe: Ai là người sợ hãi run rẩy, khá trở về khỏi núi Galaát! Hai vạn hai ngàn người bèn trở về, còn một vạn người ở lại. Đức Giêhôva phán cùng Ghêđêôn rằng: Dân hãy còn đông quá, phải biểu chúng xuống nơi mé nước, rồi ta sẽ vì người thử chúng nó tại đó… Vậy, người biểu dân dự xuống mé nước; rồi Giêhôva phán cùng Ghêđêôn rằng: Phàm kẻ nào dùng lưỡi liếm nước như chó, và kẻ nào quì gối cúi xuống mà uống, thì ngươi phải để riêng ra. Số người bụm nước trong tay rồi kê miệng liếm là ba trăm, còn lại bao nhiêu đều quì xuống mà uống. Bấy giờ, Đức Giêhôva bèn phán cùng Ghêđêôn rằng: Ta sẽ dùng ba trăm người đã liếm nước đó mà giải cứu các ngươi. Còn dân sự khác, ai nấy đều phải trở về nhà mình! Ghêđêôn cho cả người Ysơraên, ai trở về trại nấy…”
Đương thời, đạo binh của Mađian là mười ba vạn năm nghìn người, còn đạo binh Ysơraên chỉ là ba vạn hai nghìn người. Chỉ nhìn vào số lượng người thì có thể nói rằng Chúng Quả Diệp Địch (衆寡不敵, nghĩa là ít người thì không thể đối cùng quân địch), tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã phán rằng đạo binh ba vạn hai nghìn người là đông quá, và phán rằng tất thảy những ai sợ hãi run rẩy hãy trở về nhà, nên hai vạn hai nghìn người bèn trở về. Sở dĩ Đức Chúa Trời đuổi những người sợ hãi run rẩy là vì họ không có đức tin vào Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời toàn tri toàn năng ở cùng thì có điều gì đáng sợ hãi chăng?
Sau khi đuổi những người không có đức tin, Đức Chúa Trời lại lựa chọn tiếp trong số một vạn người còn lại. Đức Chúa Trời đã lựa chọn những dũng sĩ sẽ chiến đấu với quân Mađian thông qua tư thế uống nước của họ. Ấy là phương pháp quá dễ dàng để được gọi là thử thách của Đức Chúa Trời. Việc được xuất trận hay không phụ thuộc vào việc họ bụm nước trong tay rồi kê miệng liếm, hay quì gối cúi xuống mà uống nước. Bằng cách này, Đức Chúa Trời đã lựa chọn ba trăm dũng sĩ đã liếm nước, và đuổi đi tất thảy những người còn lại, là những người quì gối xuống mà uống nước.
Trong suy nghĩ của chúng ta thì dường như không có điểm khác biệt giữa việc bụm nước trong tay rồi kê miệng liếm và việc quì gối xuống mà uống nước. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã lấy điểm khác biệt nhỏ bé đó làm tiêu chuẩn cho công việc lớn lao là lựa chọn dũng sĩ chiến đấu với quân Mađian để bày tỏ ra vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đưa ra quyết định cho công việc lớn lao nhất thông qua điều mà chúng ta coi là nhỏ bé nhất.
Sự khác biệt nhỏ bé trong suy nghĩ và hành động tạo ra kết quả lớn lao
Ngay cả trong cuộc sống đức tin, nhiều khi những việc chúng ta coi là nhỏ bé thì Đức Chúa Trời lại coi là lớn lao. Nghi lễ rửa chân cử hành trong Lễ Vượt Qua chính là một ví dụ như vậy.
Giăng 13:1-8 “Trước ngày lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Trời Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng… đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho. Vậy, Ngài đến cùng Simôn Phierơ, thì người thưa rằng: Chúa ôi, chính Chúa lại rửa chân cho tôi sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết. Phierơ thưa rằng: Chúa sẽ chẳng rửa chân tôi bao giờ! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết.”
Phierơ đã có suy nghĩ của loài người rằng “Làm sao mà Chúa rửa chân cho tôi đây.” rồi định từ chối nghi lễ rửa chân mà Đức Chúa Jêsus tiến hành. Tuy nhiên Đức Chúa Jêsus đã phán một cách kiên quyết rằng “Nếu ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết.” Dường như việc rửa chân không hề quan trọng, nhưng ấy thực ra lại là nghi lễ của Đức Chúa Trời chứa đựng ý nghĩa cứu rỗi lớn lao.
Như vậy, đối với những việc chúng ta coi là nhỏ bé, thì Đức Chúa Trời không hề coi là nhỏ bé, mà lại lấy đó làm tiêu chuẩn để lựa chọn sau rốt. Chính vì thế nên nếu là ý muốn của Đức Chúa Trời thì chúng ta tuyệt đối không được coi điều ấy là không đáng kể, cho dù trông điều ấy rất nhỏ bé. Bởi vì sự khác biệt rất nhỏ bé trong suy nghĩ và hành động trong Đức Chúa Trời tạo ra kết quả lớn lao tuyệt vời.
Sự khác biệt suy nghĩ của mười hai người thám tử đi do thám xứ Canaan
Việc tương tự như vậy cũng đã xảy ra vào thời đại của Môise. Thông qua lịch sử hình bóng trong Kinh Thánh, chúng ta hãy tìm hiểu cảnh Đức Chúa Trời lựa chọn người xứng đáng được đi vào xứ Canaan trên trời và người không xứng đáng.
Dân Số Ký 13:1-14:3 “… Tuỳ theo mạng Đức Giêhôva, Môise từ đồng vắng Pharan sai các người nầy đi; hết thảy là quan trưởng của dân Ysơraên… Các người đi do thám xứ trong bốn mươi ngày trở về… Vậy, các người ấy thuật cho Môise rằng: Chúng tôi đi đến xứ mà người đã sai chúng tôi đi; ấy thật là một xứ đượm sữa và mật, nầy hoa quả xứ đó đây. Mà, dân sự ở trong xứ nầy vốn mạnh dạn, thành trì thật vững vàng và rất lớn; chúng tôi cũng có thấy con cái của Anác ở đó… dân Canaan ở gần biển và dọc dài theo mé Giôđanh. Calép bèn làm cho dân sự, đương lằm bằm cùng Môise nín lặng đi, mà nói rằng: Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được. Nhưng những người đi cùng Calép nói rằng: Chúng ta không đi lên cự dân nầy được, vì chúng nó mạnh hơn chúng ta. Trước mặt dân Ysơraên, các người đó phao phản xứ mình đã do thám mà rằng: Xứ mà chúng tôi đã đi khắp đặng do thám, là một xứ nuốt dân sự mình; hết thảy những người chúng tôi đã thấy tại đó, đều là kẻ hình vóc cao lớn. Chúng tôi có thấy kẻ cao lớn, tức là con cháu của Anác, thuộc về giống giềng giàng; chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy. Cả hội chúng bèn cất tiếng la lên, và dân sự khóc lóc trong đêm đó. Hết thảy dân Ysơraên lằm bằm cùng Môise và Arôn; cả hội chúng nói cùng hai người rằng: Chớ chi chúng tôi đã chết trong xứ Êdíptô, hay là đã chết trong đồng vắng nầy! Vì cớ nào Đức Giêhôva dẫn chúng tôi vào xứ nầy đặng bị gươm mà ngã? Vợ và con nhỏ chúng tôi sẽ bị làm một miếng mồi. Về phần chúng tôi, há chẳng khá trở về xứ Êdíptô hơn sao?”
Mười hai người thám tử của Ysơraên, hết thảy là quan trưởng của mỗi chi phái, đi do thám xứ Canaan theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Sau khi trở về từ xứ Canaan, họ đã thuật lại cho Môise và dân sự về những điều đã nghe và đã thấy.
Họ đều đi quanh cùng một vùng miền núi, cùng quan sát cây cối và vườn quả giống nhau, tuy nhiên những điều họ thuật lại rất khác nhau. Mười người quan trưởng đã báo cáo với tầm nhìn tiêu cực về những điều tai nghe mắt thấy, nhưng Giôsuê và Calép đã thuật lại một cách tích cực với đức tin vào Đức Chúa Trời.
Dân Số Ký 14:4-38 “Rồi dân sự nói với nhau rằng: Chúng ta hãy lập lên một quan trưởng, và trở về xứ Êdíptô đi… Giôsuê, con trai của Nun, và Calép, con trai của Giêphunê, là hai người trong bọn đi do thám xứ, bèn xé quần áo mình. Hai người nói cùng cả hội dân Ysơraên rằng… Chỉ các ngươi chớ dấy loạn cùng Đức Giêhôva, và đừng sợ dân của xứ, vì dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta, bóng che chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Giêhôva ở cùng ta. Chớ sợ chi. Bấy giờ cả hội chúng nói ném đá hai người nầy, nhưng sự vinh quang của Đức Giêhôva hiện ra trên hội mạc, trước mặt dân Ysơraên… những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Các ngươi mà người ta đã tu bộ, hết thảy bao nhiêu cũng vậy, từ hai mươi tuổi sắp lên, là những kẻ đã lằm bằm cùng ta, thì chẳng hề được vào xứ mà ta đã thề cho các ngươi ở, ngoại trừ Calép, con trai của Giêphunê và Giôsuê, con trai của Nun…”
Như vậy, mười hai người thám tử đã trở về sau khi do thám xứ Canaan, tuy nhiên mười người thám tử mà thêm vào ý kiến tiêu cực của cá nhân và phán đoán những điều đã nghe và đã thấy, cùng tất thảy những nam đinh của Ysơraên mà tin vào điều phao phản ấy, rốt cục đều đã chịu hình phạt thây họ bị nằm ngã trong đồng vắng. Tuy nhiên, Giôsuê và Calép, là hai người đã phán đoán những điều đã nghe và đã thấy bằng đức tin, đã có thể đi vào đất hứa Canaan.
Đôi khi chúng ta không coi trọng sự khác biệt nhỏ bé trong suy nghĩ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy rằng Đức Chúa Trời lựa chọn thông qua sự khác biệt rất nhỏ bé trong suy nghĩ. Giống như sự khác biệt nhỏ bé trong suy nghĩ quyết định việc được đi vào trong xứ Canaan hay không, thời đại ngày nay cũng vậy, việc được đi vào hay không được đi vào xứ Canaan đời đời trên trời cũng phụ thuộc vào sự khác biệt rất nhỏ trong suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta đừng nên quên rằng người không coi nhẹ bất cứ lời nào của Đức Chúa Trời, dù là điều nhỏ nhất, thì sẽ được Đức Chúa Trời lựa chọn.
Luca 16:10 “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn.”
Câu Kinh Thánh trên là lời dạy dỗ của Đấng Christ cho chúng ta biết rằng việc lớn lao được bắt nguồn từ việc rất nhỏ. Và cũng cho chúng ta thấy rằng trung tín trong việc rất nhỏ và bất nghĩa trong việc rất nhỏ là xuất phát điểm để tạo ra trung tín trong việc lớn, và gây ra bất nghĩa trong việc lớn. Các câu thành ngữ như “Một cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.” “Gom bụi thành núi.” “No bụng bởi một thìa cơm sao?” cho chúng ta thấy rằng tất thảy những việc lớn trên thế gian này cũng được bắt đầu từ những việc nhỏ.
Truyền đạo cũng như vậy. Nếu nỗ lực truyền đạo cho một nghìn người cùng một lúc vì muốn được kết nhiều trái, thì ấy là hành động ngốc nghếch. Kinh Thánh đã chẳng cho biết rằng người cứu sự sống của một người sẽ cứu rỗi cả thế giới hay sao? Khi coi trọng từng một linh hồn và dẫn dắt linh hồn ấy vào lòng Đức Chúa Trời thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ kết được nhiều trái tốt dư dật khiến Đức Chúa Trời vui lòng. Tôi mong rằng tất thảy các con cái Nước Thiên Đàng đều trung tín từ việc nhỏ nhất, và dồn hết sức để phụ giúp Cha Mẹ phần linh hồn.
Dân Mêrô bị rủa sả vì không giúp đỡ Ysơraên
Các Quan Xét 5:23 “Sứ giả của Đức Giêhôva phán: Hãy rủa sả Mêrô; Hãy rủa sả, rủa sả dân cư của nó! Vì chúng nó không đến tiếp trợ Đức Giêhôva, Không tiếp trợ Đức Giêhôva đánh các dõng sĩ.”
Vào thời các quan xét, dưới sự chỉ huy của Đêbôra, người dân Ysơraên đã chiến đấu và thắng quân địch Canaan. Khi họ hát bài ca chiến thắng thì sứ giả của Đức Giêhôva phán rằng “Hãy rủa sả Mêrô.” Bởi vì họ đã không đến tiếp trợ Đức Chúa Trời, và khi Đức Chúa Trời giúp đỡ người dân Ysơraên đánh trận thì họ đã không tham chiến.
Dù dân Mêrô không trợ giúp thì cũng không hề gây trở ngại cho công việc của Đức Chúa Trời, và dù không có họ thì công việc của Đức Chúa Trời cũng được hoàn thành. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã rủa sả họ chỉ vì một việc nhỏ nhặt là họ đã không đến để tiếp trợ Đức Chúa Trời.
Trong mắt Đức Chúa Trời dù là cái rất nhỏ cũng là cái lớn, và cái rất lớn cũng là cái rất nhỏ. Sở dĩ Đức Chúa Trời phán hãy trung tín và tiếp trợ Đức Chúa Trời ngay từ việc nhỏ, không phải là vì Đức Chúa Trời không thể một mình hoàn thành việc ấy đâu. Cho dù tất thảy 6 tỉ dân trên thế gian này tiếp trợ Đức Chúa Trời, thì đối với Ngài sự giúp đỡ ấy chẳng qua chỉ là “một mảy bụi rơi trên cân” và “một giọt nước nhỏ trong thùng” mà thôi. Hay “Ngài xem như trống không và hư vô vậy.” là biểu hiện còn đúng và chính xác hơn (Êsai 40:15-17).
Dù là Đức Chúa Trời toàn năng có thể hoàn thành được tất thảy, dù không có bất cứ sự tiếp trợ nào của chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời đã lựa chọn những người tiếp trợ Ngài từ việc rất nhỏ, và rủa sả những người không trợ giúp Ngài từ việc rất nhỏ.
Sự tiếp trợ của chúng ta thật ra chẳng là gì đối với Đức Chúa Trời. Vậy mà tại sao Đức Chúa Trời đã nhấn mạnh rằng chúng ta phải truyền đạo, và cho ghi chép những công việc này trong Kinh Thánh như thế? Trong một sớm một chiều Đức Chúa Trời có thể hoàn thành việc tìm kiếm mười bốn vạn bốn ngàn con cái bằng năng lực của Ngài, vậy mà tại sao Đức Chúa Trời lại phán chúng ta hãy cùng làm công việc ấy? Tất thảy mọi điều này đều là vì chúng ta. Đức Chúa Trời coi là lớn đối với những việc chúng ta coi là nhỏ, và ban cho phước lành vô hạn. Đức Chúa Trời ban cho phần thưởng đời đời bởi sự trung tín trong việc nhỏ của chúng ta.
Ngày nay rất nhiều người nói rằng thời đại này là ngày gần cuối cùng các đời. Giả sử ngay ngày mai Đức Chúa Trời giáng lâm với tư cách là Đấng Phán Xét, thì tất thảy mọi việc mà chúng ta, là những người được nhận lời hứa sự sống đời đời, làm trước Đức Chúa Trời cho đến ngày nay, sẽ trở thành tiêu chuẩn cho phần thưởng đời đời.
Người coi sóc hai thành được giao phó sẽ được cai trị vĩnh viễn hai thành trên Nước Thiên Đàng, còn người coi sóc mười thành được giao phó sẽ được cai trị vĩnh viễn mười thành. Nước Thiên Đàng nơi chúng ta trở về không chỉ không còn sự chết, đau đớn, buồn rầu, mà cũng không còn có cơ hội thêm nữa.
Trái đất mà chúng ta đang sống bây giờ là không gian của cơ hội. Thời gian mà chúng ta được ban cho bây giờ là thời gian của cơ hội. Khi về Nước Thiên Đàng thì sẽ không còn nỗi vất vả hay khổ nhọc thêm nữa, nên cũng không có phần thưởng dành cho những việc ấy.
Đức Chúa Trời giao phó cho chúng ta việc rao giảng Tin Lành là để ban sự vinh hiển cho chúng ta. Loài người không truyền đạo không có nghĩa là công việc của Đức Chúa Trời không được hoàn thành. Và dù không có sự tiếp trợ của chúng ta thì cũng không hề gây trở ngại lớn cho công việc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sứ mạng truyền đạo trên đất này là để ban cho chúng ta phần thưởng lớn hơn.
Trong khoảng thời gian của cơ hội này, chúng ta hãy thực tiễn lời của Đức Chúa Trời ngay từ việc nhỏ nhất. Nếu là công việc tiếp trợ Đức Chúa Trời thì tất thảy chúng ta hãy đồng tham từ việc nhỏ đến việc lớn. Bây giờ, tất thảy mọi việc đều là cơ hội. Chính là cơ hội liên quan trực tiếp tới phần thưởng đời đời. Khi chúng ta trung tín với từng lời của Đức Chúa Trời từ việc nhỏ nhất, thì mới có thể hoàn thành được sự trung tín trọn vẹn y như lời “Hãy giữ trung tín cho đến chết.” (Khải Huyền 2:10).
Sự phước lành và rủa sả bắt nguồn từ việc trung tín hay không trung tín trong những việc nhỏ mà chúng ta không coi là quan trọng. Nếu là lời của Đức Chúa Trời, dù là việc chúng ta coi là nhỏ, thì tôi mong tất thảy các anh chị em Siôn cũng hãy vui lòng vâng phục, nhờ đó được lựa chọn là người xứng đáng với Đức Chúa Trời, Đấng coi điều nhỏ là điều lớn, và hưởng tất thảy hàng vạn phước lành được sắm sẵn trên Nước Thiên Đàng.