Nghiêm cấm in ấn và phổ biến Văn bản giảng đạo. Xin vui lòng ghi khắc ân huệ đã được nhận trong lòng và tỏa ra hương khí SIôn.
Hỡi Ngươi, là Người của Đức Chúa Trời!
Loài người chúng ta đã phạm tội trên Nước Thiên Đàng rồi bị đuổi xuống trái đất này, là thành ẩn náu của linh hồn. Để cứu rỗi loài người đáng thương hại này, Đức Chúa Trời đã ban ân huệ và phước lành cho chúng ta được cứu chuộc, tức sự tha tội bởi huyết của Đấng Christ không dấu không vết, và cho chúng ta được sanh lại mới được làm con cái của Đức Chúa Trời đặng được phép trở về Nước Thiên Đàng.
Chúng ta, là những người được sanh lại mới thành người của Đức Chúa Trời, phải cầu xin điều gì từ Đức Chúa Trời trước tiên nhất? Và Đức Chúa Trời mong muốn điều gì nhất ở nơi chúng ta, là con cái của Ngài? Đó chính là sự sống đời đời, là sự sống. Đức Chúa Trời mong mỏi chúng ta, con cái của Ngài, được nhận sự sống đời đời, và được hưởng niềm vui trên Nước Thiên Đàng.
Bắt lấy sự sống đời đời sau khi đánh trận tốt lành
I Timôthê 6:11-12 “Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại. Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến.”
Đức Chúa Trời đã dặn dò chúng ta, là con cái của Ngài, rằng “Bắt lấy sự sống đời đời”. Tuy nhiên, cho đến tận khi bắt lấy sự sống đời đời, có một rào cản mà nhất định chúng ta phải vượt qua. Đó chính là đánh trận đức tin tốt lành bằng sự công bình, tin kính, đức tin, tình yêu thương, nhịn nhục và nhu mì.
Sống trên đời này, mỗi một người đều có chuyện đau buồn. Tư tình của riêng mỗi người, nỗi đau mà chỉ bản thân mình biết trở thành giằm xóc trong thịt của mỗi người.
Đức Chúa Trời đã có thể ban điều kiện và hoàn cảnh tốt cho các đấng tiên tri làm việc của Đức Chúa Trời, nhưng tại sao Ngài lại ban cho họ đau đớn và khổ nhọc? Đó chính là sự quan phòng của Đức Chúa Trời, muốn con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời đừng ỷ vào hiện thực, ngược lại luôn bày tỏ ra năng lực của Đấng Toàn Năng trong sự nhờ cậy vào duy nhất Đức Chúa Trời, càng trông mong sự sống đời đời và mong ngóng Nước Thiên Đàng mạnh mẽ hơn ngay cả trong hiện thực đau đớn.
II Côrinhtô 12:6-10 “Dầu tôi muốn khoe mình, thì cũng không phải là một người dại dột, vì tôi sẽ nói thật… Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Satan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo… Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.”
Đương thời Hội Thánh Sơ Khai, sứ đồ Phaolô cũng đã cầu khẩn rất nhiều lần lên Đức Chúa Trời vì có giằm xóc trong thịt, mỗi lúc ấy Đức Chúa Trời lại phán rằng “Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi.” và rằng hãy vác cây thập tự mình mà theo Đấng Christ. Vậy, Phaolô đã hiểu ý muốn ấy của Đức Chúa Trời mà Ngài đã cho một cái giằm xóc vào thịt mình. Nên Phaolô càng vui mừng, cảm tạ lên Đức Chúa Trời hơn nữa vì ông có thể càng bày tỏ ra tình yêu thương tuyệt đối và xác tín đối với Đức Chúa Trời ngay cả khi phải chịu nhiều khó khăn, bắt bớ, thiếu thốn, sỉ nhục (II Côrinhtô 11:23-30).
Khi Đức Chúa Trời lập kế hoạch rao truyền Tin Lành, và cho chúng ta thực tiễn kế hoạch ấy, Ngài cũng khiến cho chúng ta gặp phải khó khăn và bắt bớ nữa. Đó là bởi Đức Chúa Trời mong muốn các con cái của Ngài trông mong Nước Thiên Đàng, học tập và được biết cách vỗ cánh để có thể bay hướng về Nước Thiên Đàng thông qua những đau đớn và khổ nhọc ấy. Nói cách khác, Đức Chúa Trời dạy dỗ và rèn luyện để chúng ta có được đức tin mạnh mẽ và kiên nghị, cho xứng đáng là các con cái đảm đương sứ mệnh thầy tế lễ nhà vua trên Nước Thiên Đàng.
Những giằm xóc khổ nạn mà các đấng tiên tri đức tin từng mang theo
Trong các đấng tiên tri đức tin trong quá khứ, không ai không có giằm xóc khổ nạn cả. Đức Chúa Trời đã rèn luyện các đấng tiên tri đức tin thông qua giằm xóc để hầu cho họ hoàn thành ý muốn trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Thông qua những hoàn cảnh đau đớn, Đức Chúa Trời đã hầu cho họ tìm kiếm và suy niệm về Đức Chúa Trời, cùng trông cậy tuyệt đối vào chỉ riêng Đức Chúa Trời.
Nếu vô sự an dật (無事安逸) trong nơi ở ấm cúng thì không thể trở thành vua của loài mãnh cầm, nên đại bàng mẹ rèn luyện con của chúng rất khắc nghiệt. Giống như vậy, Đức Chúa Trời cũng ban giằm xóc cho các đấng tiên tri đức tin để rèn luyện họ không được mãn nguyện trong sự thế gian.
Ađam cũng có giằm xóc đau đớn là con trai mình, Cain, kẻ sát nhân đầu tiên của nhân loại (Sáng Thế Ký 4:1-8). Thầy tế lễ Hêli cũng có giằm xóc đau đớn là hai con trai bất kính và gian tà khiến gia môn bị huỷ diệt (I Samuên 2:12-25). Vua Đavít cũng có giằm sóc là Ápsalôm, đứa con trai phản nghịch, khiến ông phải chạy trốn (II Samuên 15:1-23). Êli cũng đã phải chịu khổ nạn bởi vua Aháp và Giêsabên, nên Êli đã cầu xin Đức Chúa Trời cho mình được chết, nhưng bởi sự tiếp trợ của thiên sứ, Êli được ăn một mẩu bánh và uống nước nên đã giữ được mạng sống mình và tiếp tục thực hiện sứ mạng (I Các Vua 19:1-18). Êlisê, là người nối tiếp sứ mệnh của đấng tiên tri với tư cách là môn đồ của Êli, cũng có giằm xóc là tôi tớ Ghêhaxi dối trá và có nhiều ham muốn.
II Các Vua 5:20-27 “Thì Ghêhaxi, tôi tớ của Êlisê, người của Đức Chúa Trời, nói thầm rằng: Kìa, chủ ta có dung thứ cho Naanam, người Syri, không nhậm lễ vật mà người đã đem đến. Ta chỉ Đức Giêhôva hằng sống mà thề, ta sẽ chạy theo người và lãnh lấy vật chi nơi người. Vậy Ghêhaxi chạy theo sau Naanam… Ghêhaxi lấy các bao khỏi tay hai đầy tớ, và để trong nhà mình, đoạn cho họ đi trở về… Nhưng Êlisê tiếp rằng: Khi người kia xuống khỏi xe đặng đi đón ngươi, lòng ta há chẳng ở cùng ngươi sao?... Vì vậy, bịnh phung của Naanam sẽ dính vào ngươi và dòng dõi ngươi đời đời. Ghêhaxi đi ra khỏi Êlisê, bị tật phung trắng như tuyết.”
Đấng tiên tri thi hành công việc của Đức Chúa Trời há không biết hành vi tự ý của tôi tớ mình được sao? Thông qua câu “lòng ta há chẳng ở cùng ngươi sao?” chúng ta cũng có thể thấy rằng tôi tớ dối trá chính là giằm xóc của Êlisê.
Đức Chúa Jêsus cũng đã đặt kẻ phản bội Giuđa Íchcariốt ở ngay cạnh Ngài. Mặc dù biết rằng ai sẽ giao nộp Ngài để xử tử hình, tuy nhiên Đức Chúa Jêsus đã không bận tâm mà lại để kẻ đó đi theo Ngài suốt ba năm.
Mathiơ 26:19-24 “… Khi đương ăn, Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng: Có một người trong các ngươi sẽ phản ta… Kẻ nào để tay vào mâm với ta, ấy là kẻ sẽ phản ta. Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn.”
Mặc dù để Giuđa Íchcariốt đi theo mình suốt ba năm, tuy nhiên Đức Chúa Jêsus vẫn làm chứng lời Tin Lành một cách ân huệ và dành hết nhiệt huyết trong việc cứu rỗi linh hồn. Giả sử Đức Chúa Jêsus đã lãng phí thời gian lo lắng bởi Giuđa Íchcariốt, là giằm xóc đau đớn của Ngài, thì liệu tin tức của sự cứu rỗi có thể được rao truyền chăng? Tuy nhiên, Đức Chúa Jêsus đã phán rằng Ngài đến để tìm và cứu rỗi những kẻ đã bị lạc mất từ trên trời, chứ không phải để lo lắng bởi giằm xóc của Ngài.
Giống như vậy, giả sử chúng ta đánh mất mục đích “bắt lấy sự sống đời đời”, và chỉ đau đớn bởi giằm xóc, là trở ngại của Tin Lành, thì sao có thể cho nhiều dân tộc muôn nước biết đường đến sự sống đời đời đây? Chúng ta, là những người theo gương của Đức Chúa Jêsus, phải dốc lòng vào chỉ riêng việc cứu rỗi linh hồn, cũng phải có sự khôn ngoan để chiến thắng giằm xóc trong thịt mình một các ân huệ.
Khổ nạn sanh ra đức tin luôn hướng về Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối
Bà Kaufman đã miêu tả chân thực những việc mình đã trực tiếp trải nghiệm trong hành trình du lịch trong cuốn sách “Ngọn suối trong sa mạc”. Cuốn sách cũng miêu tả về quá trình sinh trưởng của con sâu bướm đục thủng cái kén mà bay lên.
Một ngày nọ, bà Kaufman nhìn thấy con sâu bướm đang phải đấu tranh để ra khỏi cái kén. Thấy tiếc cho con sâu bướm, bà Kaufman đã lấy kéo nhẹ nhàng cắt cái kén để nó có thể dễ dàng bay lên. Tuy nhiên, một lúc sau, con sâu bướm được thoát ra khỏi cái kén với sự giúp đỡ của bà Kaufman đã không thể bay lên bầu trời trong khi tất thảy các con sâu bướm khác đều bay được. Lúc ấy, bà Kaufman mới hiểu ra sự thật rằng con sâu bướm phải tự vỗ cánh mãnh liệt, vùng vẫy đục thủng cái kén và bay ra thì các cơ cánh mới phát triển, và nó mới có thể mạnh mẽ bay lên. Nói cách khác, bằng nỗ lực chiến thắng khổ nạn, cánh của con sâu bướm đã có được sức mạnh mới.
Việc vỗ cánh phần linh hồn của chúng ta cũng giống như vậy. Đức Chúa Trời ban khổ nạn cho chúng ta cũng là để đôn đốc hơn nữa tấm lòng hướng về Nước Thiên Đàng của chúng ta, và ban cho chúng ta tiềm lực để mạnh mẽ bay lên bầu trời. Giả sử không có khổ nạn, thì không biết chừng chúng ta sẽ phải kết thúc cuộc đời mà không bắt lấy được sự sống đời đời, không đạt đến được Nước Thiên Đàng vĩnh cửu bởi cái nhìn thiển cận chỉ toại nguyện với hiện thực. Hiện thực đầy đau đớn và khổ nhọc khiến cho chúng ta càng trông mong khẩn thiết vào Nước Thiên Đàng không có đau đớn cùng sự chết nữa.
Gặp cơn gió mạnh, hải tùng (海松) trên bờ biển lại càng đâm rễ sâu hơn nữa. Hơn nữa, các cây thông trên núi Namsan, Seoul, vùng ô nhiễm không khí trầm trọng, cũng kết được nhiều quả thông hơn các cây thông bình thường khác. Đó là bởi để duy trì giống ngay cả trong điều kiện xấu, cây thông đã lựa chọn phương pháp sinh sản đa sản.
Đau đớn, khổ nạn, nghèo nàn, sự cô đơn có thể trở thành điều kiện xấu gây hại đến sự sinh trưởng sự sống. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng tất thảy những điều kiện xấu ấy đều trở thành cơ hội để rèn luyện chúng ta hầu cho chúng ta trưởng thành trong đức tin trông cậy tuyệt đối và mong chờ mãnh liệt sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán dặn chúng ta hãy dạn dĩ rao truyền lời của Đức Chúa Trời cho dù bị đặt giữa gai góc và chà chuôm.
Êxêchiên 2:6-7 “Nhưng, hỡi con người, ngươi chớ sợ chúng nó, và chớ sợ lời chúng nó, dầu gai góc ở với ngươi, và ngươi ở giữa bọ cạp mặc lòng. Phải, dầu chúng nó là nhà bạn nghịch, ngươi cũng đừng sợ lời chúng nó, và đừng kinh hãi mặt chúng nó. Vậy, ngươi khá đem lời ta nói cùng chúng nó, dầu nghe, dầu chẳng khứng nghe; vì chúng nó rất là bạn nghịch.”
Những người mang lại cho chúng ta đau đớn gai góc và chà chuôm, cùng huỷ báng lẽ thật, sẽ bị Đức Chúa Trời trừng trị bằng hình phạt địa ngục. Nên Đức Chúa Trời phán với chúng ta rằng đừng sợ hãi họ cho dù họ là những tồn tại bạn nghịch đến đâu chăng nữa. Dù có gai góc, nhưng trải qua thời gian, sự nỗ lực của chúng ta sẽ được kết quả. Cho nên, Đức Chúa Trời đề cập đến kết quả ấy và an ủi chúng ta.
Hêbơrơ 6:7-9 “Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt. Hỡi những kẻ rất yêu dấu, dẫu chúng ta nói vậy, vẫn còn đương trông đợi những việc tốt hơn từ nơi anh em, là những việc đưa đến sự cứu rỗi.”
Mathiơ 13:3-8 “Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo… Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi. Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục.”
Chúng ta không nên trở thành những cỏ rạ và gai gốc mà cuối cùng phải bị đốt cháy, nhưng phải trở thành các con cái kết nhiều trái tốt bằng cách rao truyền lời ân huệ của Đức Chúa Trời, nhờ được thấm đượm mưa ngọt ngào của Đức Thánh Linh. Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn giống như bụi gai, chúng ta cũng phải chiến thắng tất thảy và rao truyền Tin Lành để bắt lấy sự sống đời đời quý báu mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.
Hãy làm việc vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời
Giăng 6:27 “Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Con, mà Cha, tức là chính Đức Chúa Trời đã ghi ấn tín của mình.”
Thật là cuộc sống ngốc nghếch và vô giá trị biết bao nếu từ bỏ sự sống đời đời, mà cứ bám lấy đồ ăn hư nát bởi nỗi khổ nhọc gai góc và chà chuôm? Không có cuộc sống nào vô nghĩa hơn thế này. Chúng ta hãy sống vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, và giữ vững sự sống đời đời quý báu và có giá trị nhất theo lời của Đức Chúa Trời.
Khi dựng nên Ađam và Êva, nếu Đức Chúa Trời không ban sự sống bằng cách thổi sanh khí vào xác thịt loài người được nắn nên bởi bụi đất, thì họ có được đẹp đẽ như vậy không? Không thể nào. Tự bản thân bụi đất không hề đẹp đẽ mà là vì có sanh khí nên Ađam và Êva mới được đẹp đẽ.
Đức Chúa Trời đã đích thân mang theo sự sống đời đời mà đến thế gian tội ác này để ban cho chúng ta sự sống đời đời, và dựng lại chúng ta thành hình dáng đẹp đẽ. Những người không ăn thịt và uống huyết của Đức Chúa Jêsus sẽ không có sự sống. Ngược lại, chúng ta, là những người đã ăn thịt và uống huyết của Đức Chúa Jêsus, đều có hình dáng đẹp đẽ có sự sống. Sở dĩ các anh chị em Siôn đều được người thế gian khen ngợi là có khuôn mặt rạng ngời tỏa sáng cũng là vì chúng ta có sức sống của Đức Chúa Trời.
Đôi khi Đức Chúa Trời rèn luyện và nuôi dưỡng chúng ta trong bắt bớ, đau đớn và khổ nạn là để ban cho chúng ta cơ nghiệp Nước Thiên Đàng.
Rôma 8:16-18 “Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Đức Chúa Trời là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài. Vả tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.”
Đức Chúa Trời lấy làm tiếc khi nhìn thấy chúng ta không vỗ cánh bay hướng về bầu trời, mà chỉ coi trọng những thứ dưới thế gian này, nên đã nói với chúng ta rằng: “Hỡi ngươi, là người của Đức Chúa Trời! Hãy bắt lấy sự sống đời đời.” Đây chính là lời dặn dò khẩn thiết rằng “Hỡi ngươi, là người của Đức Chúa Trời! Hãy gắng sức đi vào Nước Thiên Đàng có sự vui mừng và vinh hiển đời đời, hơn là muốn nhận thứ gì của thế gian. Chỉ cần được đi vào Nước Thiên Đàng, thì ngươi sẽ có được mọi thứ ngươi muốn. Hãy bắt lấy sự sống đời đời. Tuyệt đối đừng để mất sự sống đời đời.” Đức Chúa Trời thật đang mong muốn các con cái của Ngài được nhận sự sống đời đời, là thứ quý giá nhất.
Để được đi vào vinh hiển của Nước Thiên Đàng với tư cách là người của Đức Chúa Trời, chúng ta phải chuyển thành hành động trong sự tin tưởng và hiểu biết lời của Đức Chúa Trời, dù ấy là những sự thuộc vào thế giới không thấy được. Đích thân Đức Chúa Trời, Đấng đã lựa chọn chúng ta, cho chúng ta biết sự mầu nhiệm sâu xa về sự sống đời đời! Chúng ta là những người của Đức Chúa Trời, thật được phước lành được phép gọi Đức Chúa Trời ấy là Aba, Cha, và Mẹ.
Đức Chúa Trời đã sắm sẵn Nước Thiên Đàng để chúng ta có thể được sống đời đời, và Ngài đang tha thiết mong đợi chúng ta trở về. Với tư cách là những người của Đức Chúa Trời hiểu ra ý muốn của Ngài, chúng ta phải thực tiễn tình yêu thương của Đức Chúa Trời, dâng vinh hiển lên Ngài và kết dư dật trái quí báu của Đức Thánh Linh. Cho đến tận ngày tất thảy mười bốn vạn bốn ngàn, là những người của Đức Chúa Trời, được bắt lấy sự sống đời đời, tôi mong tất thảy chúng ta đều siêng năng rao truyền Tin Lành để dâng niềm vui lên Đức Chúa Trời.