Nghiêm cấm in ấn và phổ biến Văn bản giảng đạo. Xin vui lòng ghi khắc ân huệ đã được nhận trong lòng và tỏa ra hương khí SIôn.
Hãy Hết Lòng Hết Ý
Nếu con người dồn hết lòng vào một việc gì đó thì không việc gì không thể hoàn thành. Cũng có câu thành ngữ rằng “Tinh thần nhất đáo hà sự bất thành (精神一到 何事不成)”, nghĩa là tập trung tinh thần vào một việc thì không sự gì không được hoàn thành.
Đầu năm người ta thường lập ra rất nhiều kế hoạch, nhưng thực ra cho đến tận cuối năm rất hiếm khi mọi kế hoạch ấy đều được hoàn thành. Người định làm tất thảy việc này việc kia rốt cục sẽ không hoàn thành trọn vẹn bất cứ việc gì cả. Tuy nhiên, người kiên trì thực hiện một mục tiêu thì đến một lúc nào đó sẽ hoàn thành được mục tiêu của bản thân.
Không việc gì bất khả thi đối với người làm việc hết lòng
Con giun cát sống ở bờ biển đào lỗ rất giỏi, mặc dù thân của nó rất mềm và không có phần nào đủ cứng để dùng như là một dụng cụ. Tuy nhiên, con cua chỉ sống ở trong những lỗ được đào sẵn bởi các loài khác, mặc dù nó cứng cáp hơn con giun cát rất nhiều.
Điều này bắt nguồn ở thói quen sống khác nhau của chúng: Con giun cát chỉ mải mê chú tâm vào một công việc, còn con cua bận rộn làm nhiều việc cùng lúc. Thân con cua có rất nhiều bộ phận hữu ích như cái càng cứng cáp, tuy nhiên nó đề phòng sự tấn công kẻ thù trong khi ăn, và bận rộn làm nhiều việc đa dạng khi bò. Do đó, nó không thể tự làm nhà cho chính nó.
Có câu thành ngữ bốn chữ rằng “Trung thạch một thốc (中石沒鏃)”, có nghĩa là không việc gì không thể hoàn thành khi tập trung tinh thần vào một mục tiêu và làm việc hết lòng. Thành ngữ này có nguồn gốc từ câu chuyện về tướng quân Li Guang vào triều đại Hán, Trung Quốc.
Li Guang là một vị tướng quân giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Vào một buổi chiều chạng vạng, khi đi ngang qua rừng thông, Li Guang phát hiện ra trong lùm cây phía xa có một con hổ đang ngồi rình và nhìn mình chằm chằm. Cảm thấy tình huống nguy cấp, Li Guang đã rút tên và bắn cung ngay lập tức. Mũi tên cắm phập giữa trán con hổ. Tuy nhiên, dù bị trúng tên mà con hổ chẳng hề động đậy gì cả.
Li Guang liền thận trọng đến gần để kiểm tra, nhưng ấy không phải là con hổ, mà chỉ là tảng đá lớn có hình thù con hổ. Li Guang rất ngạc nhiên khi thấy mũi tên của mình cắm sâu vào tảng đá. Li Guang lùi lại phía sau và thử bắn cung lần nữa. Tuy nhiên, dù bắn cung nhiều lần đi nữa nhưng tất thảy các mũi tên đều đụng phải hòn đá và bị văng ra ngoài.
Theo suy nghĩ thông thường thì dù người bắn cung giỏi có bắn trúng mục tiêu đi chăng nữa thì cũng không thể bắn thủng tảng đá. Tuy nhiên, trong tình huống nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, Li Guang đã tập trung tinh thần và hết lòng hết sức bắn cung nên mũi tên đã có thể đục thủng tảng đá.
Hãy hết lòng mà yêu mến Đức Chúa Trời
Nếu hết lòng như Li Guang thì không việc gì là không làm nổi. Nếu chúng ta cũng đều đồng lòng thì không gì trên thế gian không thể thực hiện được.
Đức Chúa Trời cũng dặn dò chúng ta rằng hãy hết lòng mà yêu mến Đức Chúa Trời.
Mathiơ 22:34-38 “… Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết; Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết.”
Hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời có nghĩa là yêu mến Ngài một cách trọn vẹn, 100 %. Nếu là ý muốn của Đức Chúa Trời thì phải lấp đầy ý muốn ấy trong lòng chúng ta thì mới có thể nói là hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh nói rằng “chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an” (Rôma 8:5-6), và nhấn mạnh rằng chúng ta “không có thể đã làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Mamôn nữa” (Luca 16:13). Tuy nhiên, khi sống trên thế gian này đôi khi chúng ta không hết lòng hết ý yêu mến Đức Chúa Trời, đôi khi lại so sánh đối chiếu ý muốn của Đức Chúa Trời với thế gian này.
Để yêu mến Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu lý do tại sao chúng ta phải hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời. Lý do là vì Đức Chúa Trời đã yêu mến chúng ta trước bằng hết lòng của Ngài. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta hết lòng, hết linh hồn và hết ý của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu hết tình yêu thương ấy, và chưa thực hiện tình yêu thương ấy một cách trọn vẹn, nên Đức Chúa Jêsus đã phán với chúng ta rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết.”
Tấm gương tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng hết lòng, hết linh hồn Ngài
Đức Chúa Trời chỉ có một nguyện vọng duy nhất là cứu rỗi các con cái bị lạc mất (Luca 19:10). Vì sự cứu rỗi của chúng ta, Đức Chúa Trời đã để lại sau lưng tất thảy quyền thế, vinh hiển và sự bình an trên Nước Thiên Đàng, mà xuống tận thế gian này trong hình dáng loài người và phải chịu đựng cả nỗi đau đớn trên thập tự giá.
Hêbơrơ 2:14-15 “Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ, lại cho giải thoát mọi người vì sự sợ chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.”
Lý do Đức Chúa Trời đã đến trong hình ảnh loài người thấp hèn, ở dưới các thiên sứ một chút, là để cứu rỗi chúng ta (Hêbơrơ 2:5-9). Vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Trời cũng có phần vào huyết và thịt. Và để cứu rỗi con cái, Đức Chúa Trời đã đến với tư cách là đầy tớ thấp hèn, thậm chí Ngài còn sẵn lòng gánh chịu mọi sự nhạo báng của loài người.
Êsai 53:1-5 “… Người đã bị người ta kinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật ra người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”
Đức Chúa Trời đã phải chịu sự miệt thị của loài chịu dựng nên, đã mang sự đau đớn và gánh sự buồn bực của chúng ta, chịu biết bao gian khổ thay cho chúng ta. Dầu vậy, Đức Chúa Trời đã cam chịu tất thảy vì sự cứu rỗi của chúng ta, và Ngài chưa từng thay đổi ý muốn cứu rỗi chúng ta dù trong giây lát. Trong ý muốn ấy của Đức Chúa Trời, thịt và huyết của Đấng Christ tuôn chảy trong chúng ta, nên chúng ta được ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta, khiến lòng chúng ta được trở thành một với lòng Đức Chúa Trời. Như vậy, Đức Chúa Trời đã lập ra giao ước mới để chúng ta có thể nhận được sự cứu rỗi bằng cách đi theo con đường mà Đức Chúa Trời trải qua.
Xem xét hành trình linh hồn mà Đức Chúa Trời đã trải qua vì sự cứu rỗi của chúng ta, chúng ta có thể phát hiện ra hành trình ấy thấm đượm tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, bằng hết lòng, hết linh hồn và hết ý của Ngài. Đức Chúa Trời đã bỏ lại sau lưng vinh hiển Nước Thiên Đàng, nhận thay khổ nạn mà tội nhân phải gánh chịu, và đã gắng sức chỉ vì sự cứu rỗi của chúng ta. Khi nghĩ tới điều này, chúng ta có thể hiểu trọn vẹn lý do tại sao Đức Chúa Jêsus đã phán rằng việc hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Đức Chúa Trời là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết trong luật pháp.
Không phải chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời trước nên mới đạt được sự cứu rỗi đâu, nhưng đó là do Đức Chúa Trời đã yêu thương chúng ta nên dẫn dắt chúng ta vào đường cứu rỗi. Đức Chúa Trời Cha Mẹ đã chăm sóc và dẫn dắt chúng ta trong suốt quãng thời gian sáu ngàn năm dài đằng đẵng bằng tình yêu thương không hề thay đổi một giây phút nào. Tôi mong tất thảy chúng ta hãy hiểu tấm lòng của Đức Chúa Trời Cha Mẹ và không nên quên ân huệ của Ngài dù là trong chốc lát.
Cầu nguyện và truyền đạo bắt nguồn từ nguyện vọng cứu rỗi linh hồn
Đức Chúa Trời, là Đấng đến thế gian này vì sự cứu rỗi linh hồn của con cái, đã không ngừng cầu nguyện và truyền đạo. Đức Chúa Trời chỉ toàn tâm suy nghĩ về sự cứu rỗi của con cái, là chúng ta. Ngài thức dậy lúc trời còn mờ mờ sáng và đích thân cầu nguyện để con cái tội lỗi có được sự hiểu biết phần linh hồn, và đạt được sự ăn năn thực sự để được bình an vô sự trở về Nước Thiên Đàng, và Ngài đã gắng sức truyền đạo để rao truyền tin tức cứu rỗi.
Mác 1:35-38 “Sáng hôm sau, trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó. Simôn cùng đồng bạn đi tìm Ngài. Khi kiếm được thì thưa rằng: Hết thảy đương tìm thầy. Ngài phán: Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến.”
Mathiơ 4:17-23 “Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần… Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Galilê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành của nước Đức Chúa Trời, và chữa lành mọi thứ tật bịnh trong dân.”
Cho đến tận ngày hôm nay, Đức Chúa Trời vẫn luôn cầu nguyện vì lo lắng con cái Ngài bị vấp ngã do đuối sức, và rời xa sự cứu rỗi. Cầu nguyện và truyền đạo không ngừng nghỉ của Đức Chúa Trời bắt nguồn từ nguyện vọng tập trung vào sự cứu rỗi của chúng ta.
Đấng Christ đã ban cho chúng ta tất thảy mọi thứ vì sự cứu rỗi của chúng ta. Ngay tới tận trước khi thăng thiên, Ngài cũng để tâm đến sự cứu rỗi của các con cái còn lại, và dặn dò chúng ta hãy truyền đạo.
Mathiơ 28:18-20 “… Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”
Mác 16:15 “Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người.”
Xung quanh chúng ta vẫn còn có rất nhiều người chưa được nhận sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời đã khinh điều sỉ nhục, và không chậm trễ làm bất cứ điều gì vì sự cứu rỗi của con cái. Nghĩ đến tình yêu thương ấy của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải dạn dĩ làm chứng về Tin Lành giao ước mới cho muôn dân muôn nước khắp thế gian.
Hãy hết lòng cứu rỗi thế giới
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta hết thảy tấm lòng Ngài, vậy chúng ta cũng phải dâng lên Đức Chúa Trời hết thảy tấm lòng chúng ta. Hãy loại bỏ tấm lòng ích kỷ sống chỉ vì bản thân mình, và hãy lấp đầy chúng ta bằng tấm lòng sống vì Đức Chúa Trời. Cho đến khi Đấng Christ hoàn toàn ngự trong chúng ta, hãy nỗ lực hơn nữa để thực sự yêu mến Đức Chúa Trời và luôn luôn sống trong Ngài.
Hơn nữa, giống như Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, chúng ta cũng đi tới khắp muôn dân thế gian và chia sẻ tình yêu thương ấy. Đức Chúa Trời đã dạy dỗ rằng hễ làm một việc nào đó cho một người trong các anh em thì ấy là làm cho chính mình Đức Chúa Trời, và kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được (Mathiơ 25:40, I Giăng 4:20). Theo đó, khi chúng ta dồn hết lòng vào việc cứu rỗi anh chị em, thì mới có thể vâng phục trọn vẹn lời phán của Đức Chúa Jêsus rằng: “Hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Đức Chúa Trời.”
Sứ đồ Phaolô đã khắc sâu lời phán này trong lòng, và đi khắp thiên hạ, dồn toàn tâm toàn sức vào việc rao truyền Tin Lành cho muôn dân. Vì sứ đồ đã hết lòng nỗ lực vì sự cứu rỗi, nên ở mỗi nơi sứ đồ đi qua, sứ đồ đã có thể khiến nhiều linh hồn ăn năn và dẫn dắt họ vào lòng của Đức Chúa Trời ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ.
Công Vụ Các Sứ Đồ 20:23-27 “… Nhưng tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus, để mà làm chứng về Tin lành của ơn Đức Chúa Trời… Nên bữa nay tôi nói quyết trước mặt các anh em rằng tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy. Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời.”
II Timôthê 4:7-8 “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó…”
Sứ đồ nói rằng “tôi chẳng kể sự sống mình làm quí”, điều ấy có nghĩa là “tôi đã hết lòng, hết linh hồn.” Như đã nói rằng “Ta… đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin”, sứ đồ đã dành mọi thứ mình có cho Đức Chúa Trời.
Khi nghĩ đến cuộc sống của sứ đồ Phaolô, là người đã hết lòng, hết linh hồn, hết sức mình yêu mến Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải có tinh thần đức tin lớn lao như vậy. Đức Chúa Trời cho ghi chép công việc của sứ đồ Phaolô trong Kinh Thánh là vì Ngài muốn chúng ta cũng học tập cử chỉ và tư thế đức tin của sứ đồ.
II Timôthê 4:1-5 “… hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi… Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ.”
Giờ việc còn lại dành cho chúng ta là chức vụ của người giảng Tin Lành, rao truyền Tin Lành cho muôn dân thế gian để cứu rỗi họ. Giống như sứ đồ Phaolô, chúng ta cũng hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà rao truyền sự cứu rỗi cho muôn dân thế gian. Tôi tin rằng khi chúng ta rao truyền lời của Đức Chúa Trời, và cũng chia sẻ tình yêu thương đẹp đẽ thiện lành mà Đức Chúa Trời đã đích thân làm gương, thì họ cũng sẽ chia sẻ tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho những người khác với niềm vui đã nhận được sự sống.
Hãy trở thành người dẫn dắt, người canh vào thời đại này
Khi chúng ta dốc hết lòng nhiệt tình thì sẽ đạt được kết quả ân huệ. Sứ đồ Phaolô cũng đã hết lòng truyền đạo, nên bởi một người là sứ đồ Phaolô, Tin Lành của Hội Thánh Sơ Khai đã được rao truyền tới xứ Samari, cho đến cùng trái đất.
Chúng ta cũng phải làm thức tỉnh toàn thế gian bằng tinh thần đức tin như thế này. Chúng ta là những người canh của thời đại này, là những người nhận sứ mệnh răn bảo, làm thức tỉnh thế gian thay Đức Chúa Trời (Êxêchiên 3:17). Cho nên, chúng ta phải dồn hết lòng vào công việc rao bảo, làm thức tỉnh thế gian. Răn bảo mà không hết lòng thì sẽ không thể làm họ cảm động, chúng ta chỉ có thể truyền đạt sự hiểu biết của chúng ta cho họ mà không thể truyền đạt cho họ linh cảm và quyền năng đến từ Đức Chúa Trời.
Các diễn viên nổi tiếng thường nhập tâm hoàn toàn vào vai diễn của họ. Họ nói rằng nếu không nhập tâm thì sẽ không thể biểu hiện chính xác xúc cảm và tấm lòng của nhân vật chính.
Hãy ngẫm nghĩ về sứ mệnh và chức vụ của chúng ta thông qua Kinh Thánh, và hãy nhập tâm vào công việc ấy. Với tư cách là con của lời hứa được tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta là những người dẫn dắt của thời đại này. Đức Chúa Trời phán bảo chúng ta rằng hãy đi khắp thế gian và rao truyền Tin Lành. Hãy ghi khắc sâu trong lòng ý muốn này của Đức Chúa Trời, và hãy dốc toàn tâm toàn sức trong việc cứu rỗi anh chị em.
Khi hết lòng thì chúng ta có thể làm được mọi sự nhờ Đức Chúa Trời ban thêm sức cho chúng ta (Philíp 4:13). Tôi mong tất thảy gia đình Siôn chúng ta đều hết lòng, hết ý mà yêu mến Đức Chúa Trời, để đạt được sự cứu rỗi trên Nước Thiên Đàng, và dẫn dắt thật nhiều linh hồn vào đường cứu rỗi.