Nghiêm cấm in ấn và phổ biến Văn bản giảng đạo. Xin vui lòng ghi khắc ân huệ đã được nhận trong lòng và tỏa ra hương khí SIôn.
Hãy Gieo, Thì Sẽ Được Gặt
Giờ là mùa thu phần linh hồn và mùa thu hoạch tại Siôn đang đạt đến đỉnh cao nhất. Đức Chúa Trời giao phó cho các con cái yêu thương sứ mệnh của người gặt Tin Lành cứu rỗi linh hồn bằng cách rao truyền lời sự sống, và Ngài cũng ban lưỡi hái cho chúng ta nữa (Tham khảo: Mác 4:29, Giôên 3:13).
Để thu hoạch được trái tốt dư dật thì cần phải có nỗ lực gieo giống trước. Nếu không nỗ lực gieo và gặt, mà chỉ trông chờ kết trái thì không thể kết trái được đâu. Phải gắng sức gieo trồng hột giống Tin Lành vào ruộng lòng của loài người, thì hột giống ấy mới trưởng thành và kết trái, phải không?
Khi sáng tạo ra hột giống, Đức Chúa Trời đã cài đặt chương trình cho hột giống được gieo trồng, trưởng thành và kết trái như vậy. Giống như lời “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”, khi chúng ta gieo trồng hột giống, thì nhất định nó sẽ trưởng thành và được kết trái. Mong tất thảy các anh chị em hãy trở thành những người giúp việc gắng sức gieo trồng hột giống Tin Lành và gặt hái trái tốt để làm vui lòng “Chủ mùa gặt” (Luca 10:2).
Người nỗ lực sẽ được gặt
Đây là câu chuyện xảy ra ở một trường đại học nọ tại Hàn Quốc vào ngày xưa. Bài kiểm tra giữa kỳ đang được tiến hành trong lớp học tiếng Anh. Thường ngày là bài thi lý thuyết, nhưng ngày hôm đó giáo viên đột nhiên đổi thành thi hội thoại nên các sinh viên đều rất căng thẳng.
Đề tài hội thoại tiếng Anh mà giáo viên đặt ra là tình huống có thể xảy ra khi đi du lịch nước ngoài. Cứ hai sinh viên tạo thành một nhóm, một người đóng vai người du lịch, một người đóng vai người bản xứ rồi cùng hội thoại bằng tiếng Anh. Quá đột ngột, hai sinh viên lặng đi không nói được gì và đổ mồ hôi, nhưng vì hội thoại có liên quan đến điểm số nên không thể không nói.
Sinh viên đóng vai người du lịch nghĩ rằng mình phải nói điều gì đó, nên đã mở miệng sau một hồi lâu:
“Excuse me (Xin lỗi).”
“What (Gì vậy)?”
“Can you speak Korean (Bạn có thể nói được tiếng Hàn không)?”
“Yes, I can (Vâng, tôi có thể nói được).”
Từ lúc đó hai sinh viên bắt đầu yên tâm hội thoại bằng tiếng Hàn. “Tôi là khách du lịch đến để tham quan tượng nữ thần tự do, làm thế nào để đến được đó?” “Bạn hãy bắt xe buýt màu xanh rồi dừng xe ở điểm dừng thứ tư.” Hội thoại được nối tiếp như vậy bằng tiếng Hàn nên lớp học trong bầu không khí căng thẳng trong chốc lát đã có tiếng cười khúc khích.
Tuy đó là một tình huống vô lý, nhưng nếu nhìn từ góc độ khác thì hội thoại của họ đã không trái quy định của bài thi hội thoại, bởi khi khách du lịch Hàn Quốc hỏi đường ở nước ngoài thì có thể gặp người nước ngoài nói giỏi tiếng Hàn. Giáo viên cảnh báo các sinh viên còn lại rằng sẽ cho điểm F nếu họ hội thoại bằng phương pháp như đội đầu tiên, với lý do “bảo vệ bản quyền”. Rồi giáo viên cho sinh viên đóng vai khách du lịch điểm A+, sinh viên đóng vai người bản xứ điểm A với lý do rằng “Khách du lịch Hàn Quốc nói giỏi tiếng Hàn là điều đương nhiên, nhưng kỳ lạ là người Mỹ sống ở bản xứ lại nói tiếng Hàn khá chuẩn, nên đó là lý do trừ điểm.”
Đây là câu chuyện về trí thông minh của sinh viên và lòng hảo tâm của giáo viên, tuy nhiên thông qua câu chuyện này, chúng ta cũng xác minh được lẽ thật rằng “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. Nếu chần chừ và lưỡng lự do không nói giỏi tiếng Anh, thì hai sinh viên ấy sẽ không thể nhận được điểm số tốt. Khi rao truyền Tin Lành cũng vậy, dù rao truyền lời không thành thạo nhưng nếu gắng sức định rao truyền như hai sinh viên trên thì sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy
Giữa các người nhà Siôn, có rất nhiều trường hợp người nhà thiếu sự hiểu biết về Kinh Thánh, và không có tài ăn nói, nhưng vì gắng sức nỗ lực theo lời dạy bảo của Đức Chúa Trời, nên được gặt hái dư dật trái Tin Lành. Dù chúng ta có nhiều điểm thiếu sót, nhưng trông cậy vào lời của Đức Chúa Trời và rao truyền, thì Đức Chúa Trời Cha Mẹ sẽ cảm động và ban trái tốt cho chúng ta.
Để nhận được phước lành và tình yêu thương tràn đầy của Đức Chúa Trời, và nhận được mão triều thiên sáng láng vĩnh viễn khi trở về Nước Thiên Đàng, thì chúng ta phải gieo thật nhiều. Nếu không gieo thì sẽ không gặt được kết quả chi, nhưng nếu gắng sức gieo thì sẽ đạt được kết quả và giá trị ngần ấy.
II Côrinhtô 9:6 “Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều.”
Tất thảy chúng ta đều muốn gặt thật nhiều trái Tin Lành. Tuy nhiên, thật là suy nghĩ sai lầm khi chờ đợi được kết trái nhiều trong khi gieo trồng ít. Đức Chúa Trời giúp chúng ta gieo bao nhiêu thì gặt được bấy nhiêu.
Trong ví dụ về talâng cũng vậy, người không gieo trồng gì thì không gặt được bất cứ thứ gì. Người nhận năm talâng siêng năng đi buôn và làm lợi thêm năm talâng, người nhận hai talâng cũng làm như vậy và làm lợi thêm hai tâlâng, nhưng người nhận một talâng chỉ giấu talâng ấy đi, nên không gặt được bất cứ thứ gì (Tham khảo: Mathiơ 25:14-30).
Nhận được hột giống Tin Lành mà cứ chần chừ và chỉ giấu hột ấy đi như người nhận được một talâng, thì không thể kết trái. Tuy nhiên, người gieo trồng giống nhất định sẽ được kết trái. Chỉ cần gieo trồng là được kết trái. Đức Chúa Trời đã sắm sẵn tất thảy mọi thứ để chỉ khi chúng ta gieo trồng hột giống Tin Lành này, thì nhất định sẽ kết trái đẹp đẽ gấp 30 lần, 60 lần, 100 lần.
Galati 6:7-9 “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ nào gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời. Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt.”
Đức Chúa Trời phán rằng “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. Kẻ gieo cho xác thịt sẽ không thể gặt sự sống đời đời phần linh hồn. Điều đó giống với nguyên lý rằng nếu gieo nho thì không thể gặt táo.
Nếu đã được Đức Chúa Trời giao phó việc Tin Lành thì hãy gieo cho Thánh Linh, gieo Tin Lành. Trên thế gian có muôn vàn hột giống, nhưng hột giống mà chúng ta phải gieo trồng là hột giống Tin Lành mà Đức Chúa Trời giao phó (I Phierơ 1:23-25). Gieo trồng thì nhất định sẽ được gặt hái. Tuy nhiên, ai gieo nhiều sẽ được gặt nhiều, ai gieo ít sẽ được gặt ít. Rốt cục, việc gặt được nhiều hay ít không phụ thuộc vào năng lực của từng cá nhân, nhưng phụ thuộc vào việc người ấy gắng sức gieo trồng bao nhiêu.
Hãy nghĩ đến trường hợp của hai sinh viên trong câu chuyện thi hội thoại tiếng Anh. Dù không thông thạo trong hội thoại tiếng Anh, nhưng giáo viên đã cho điểm số cao. Tấm lòng giống người giáo viên ấy chính là tấm lòng của Đức Chúa Trời chúng ta. Đức Chúa Trời cảm động bởi tấm lòng nỗ lực muốn thử làm điều gì đó, gắng sức thử gieo trồng, nên ban cho chúng ta trái tốt.
Hãy luôn luôn gắng sức bất luận gặp thời hay không gặp thời
Kinh Thánh phán rằng người gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời. Tuyệt đối không nên nản lòng và từ bỏ do không được kết trái ngay lập tức, mà hãy tin vào lời phán của Đức Chúa Trời, gắng sức gieo trồng thì nhất định sẽ gặt được trái tốt.
Xung quanh chúng ta vẫn có rất nhiều ruộng chưa được gieo rắc hột giống của Tin Lành. Hãy gieo trồng hột giống Tin Lành cho những người gần chúng ta trước tiên. Nơi chúng ta gieo trồng hột giống có thể là ngã tư, hoặc dọc hàng rào (Mathiơ 22:9, Luca 14:23), cũng có thể là hàng xóm, cũng có thể là cha mẹ, anh em, hoặc họ hàng thân thích. Kinh Thánh đã phán rằng người gieo nhiều thì gặt nhiều, người gieo ít thì gặt ít, do vậy chúng ta không nên bực bội khi kết ít trái do gieo ít, mà hãy gieo thật nhiều là được. Tại nơi chúng ta gieo hột giống Tin Lành, nhất định trái sẽ được kết.
II Timôthê 4:1-8 “Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi. Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ. Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.”
Kinh Thánh đã phán rằng chúng ta đừng tính toán này nọ mà hãy giảng đạo bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy liên tục gieo trồng hột giống Tin Lành. Chức vụ mà Đức Chúa Trời giao phó cho chúng ta là việc gieo trồng Tin Lành, tức là việc truyền đạo. Khi làm trọn phận sự này thì mão triều thiên của sự công bình mà Đức Chúa Trời sắm sẵn được để dành cho chúng ta, nên chúng ta phải hết sức gieo trồng hột giống Tin Lành.
Khi chúng ta gieo lẽ thật thì sẽ được gặt. Người thực tiễn lẽ thật sẽ được nhận phước lành, bởi vậy chúng ta không nên chỉ chờ đợi và trông mong giống người nhận một talâng, mà hãy gắng sức gieo trồng hột giống Tin Lành bất luận thời gian và địa điểm.
Những thánh đồ Hội Thánh Sơ Khai gắng sức gieo trồng hột giống Tin Lành
Công việc các thánh đồ Hội Thánh Sơ Khai gắng sức gieo trồng hột giống Tin Lành khắp nơi trên thế giới bất luận thời gian và địa điểm để lại những cảnh đáng tự hào nhất trong lịch sử Hội Thánh. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi chép rằng một ngày ba nghìn người, năm nghìn người tiếp nhận Đấng Christ, và mỗi ngày Đức Chúa Trời lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh. Kết quả này có được là nhờ tất thảy những người giúp việc Tin Lành đã gắng sức gieo trồng hột giống Tin Lành.
Công Vụ Các Sứ Đồ 16:11-15 “… Chúng ta ở tạm đó vài ngày. Đến ngày Sabát, chúng ta ra ngoài cửa thành, đến gần bên sông, là nơi chúng ta tưởng rằng người ta nhóm lại đặng cầu nguyện; chúng ta ngồi xong, giảng cho những người đàn bà đã nhóm lại. Có một người trong bọn đó nghe chúng ta, tên là Lyđi, quê ở thành Thiatirơ, làm nghề buôn hàng sắc tía, vẫn kính sợ Đức Chúa Trời. Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phaolô nói. Khi người đã chịu phép báptêm với người nhà mình rồi, thì xin chúng ta rằng: Nếu các ông đã đoán tôi là trung thành với Chúa, thì hãy vào nhà tôi, mà ở lại đó; rồi người ép mời vào.”
Lòng của Lyđi được mở không bởi tài ăn nói của Phaolô, mà đó là bởi Đức Chúa Trời đã mở lòng cho Lyđi, do thấy nỗ lực của sứ đồ Phaolô gắng sức gieo trồng hột giống Tin Lành. Tiếp theo gia đình của Lyđi, gia đình của người cai ngục cũng tiếp nhận Đấng Christ và đạt được sự cứu rỗi. Sự kiện này cũng là công việc của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:25-34). Khi các sứ đồ trông cậy vào lời và gieo trồng hột giống Tin Lành bằng lòng nhiệt huyết nóng bỏng, thì Đức Chúa Trời đã khiến cho hột giống ấy được trưởng thành và được kết trái Thánh Linh tốt đẹp và ân huệ (I Côrinhtô 3:5-8).
Công Vụ Các Sứ Đồ 18:5-10 “Khi Sila và Timôthê từ xứ Maxêđoan đến, thì Phaolô hết lòng chuyên lo về sự giảng dạy, làm chứng với người Giuđa rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ. Nhưng, vì chúng chống cự và khinh dể người, nên người giũ áo mình… Phaolô ra khỏi đó, vào nhà một người tên là Titiu Giúttu, là kẻ kính sợ Đức Chúa Trời, nhà người giáp với nhà hội. Bấy giờ Cơrítbu, chủ nhà hội, với cả nhà mình đều tin Chúa; lại có nhiều người Côrinhtô từng nghe Phaolô giảng, cũng tin và chịu phép báptêm. Ban đêm, Chúa phán cùng Phaolô trong sự hiện thấy rằng: Đừng sợ chi; song hãy nói và chớ làm thinh; ta ở cùng ngươi, chẳng ai tra tay trên ngươi đặng làm hại đâu; vì ta có nhiều người trong thành nầy.”
Đối với những người chỉ nghĩ Đức Chúa Jêsus là người thợ mộc ở Naxarét, các sứ đồ đã làm chứng rõ ràng cho họ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, là Đức Chúa Trời Đức Cha, là Đấng có hình Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ở mỗi nơi các sứ đồ đi, có rất nhiều nhóm người quấy nhiễu, phản đối. Đám đông người Do Thái phỉ báng họ, và các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời dùng rất nhiều lời ngụy biện để chống lại họ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán rằng “Đừng sợ, đừng làm thinh mà hãy tiếp tục gieo trồng hột giống Tin Lành. Ta ở cùng ngươi. Ta có nhiều người trong thành nầy.”
Đức Chúa Trời khích lệ và giúp đỡ những người gieo trồng hột giống Tin Lành
Tình huống ngày nay là tình huống tái diễn, tình huống lặp lại của thời đại Đức Con vào 2 nghìn năm trước. Bây giờ, khi chúng ta làm chứng về Đức Chúa Trời Êlôhim, là Đấng Cứu Chúa của thời đại Đức Thánh Linh, thì những người theo đạo phản đối và chống lại chúng ta. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không ở cùng họ, nhưng Ngài ở cùng chúng ta, là những người đứng cùng phía với Đấng Christ. Dù tài ăn nói không thành thạo, nhưng nếu chúng ta gắng sức rao truyền với xác tín rằng sự cứu rỗi chỉ được ban cho những ai tin vào Đức Chúa Trời Cha Mẹ và trở về Siôn, thì Đức Chúa Trời sẽ mở tất thảy tấm lòng của những người nghe sự rao truyền của chúng ta.
Mặc dù không truyền đạo tốt, nhưng hãy can đảm như hai sinh viên trong câu chuyện. Dù chỉ mở một câu Kinh Thánh, nhưng nếu có thể làm chứng chính xác về Thánh Linh và Vợ Mới, là Đấng Christ của thời đại Đức Thánh Linh, thì Đức Chúa Trời cũng sẽ ban điểm số tối cao cho lòng nhiệt huyết ấy, phải không? “Đừng sợ hãi. Đừng làm thinh. Vì không ai đến và gieo trồng hột giống Tin Lành nên cho đến bây giờ những người đó vẫn chưa hiểu ra lẽ thật, nên giờ nếu các ngươi gieo trồng hột giống Tin Lành, thì nhất định sẽ kết được trái ấy.” Đức Thánh Linh đang khích lệ và giúp đỡ chúng ta như thế này.
Nguyên lý rất đơn giản. Nếu gieo trồng thì nhất định sẽ gặt được trái. Nếu muốn kết 1000 trái thì hãy gieo hột giống Tin Lành cho 1000 người, nếu muốn kết 10.000 trái thì hãy gieo hột giống Tin Lành cho 10.000 người. Nếu muốn dẫn dắt thảy muôn dân khắp thế gian trở về vòng tay của Đức Chúa Trời thì hãy gieo hột giống Tin Lành cho tất thảy mọi người. Tuy nhiên, Kinh Thánh phán rằng nếu gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát, bởi vậy chúng ta phải trồng loại hột giống của Thánh Linh, hột giống của Tin Lành.
Dù là người hàng xóm, hay là người đi ngang qua chúng ta chưa được nghe chính xác về Tin Lành, thì hãy gieo trồng hột giống Tin Lành vào ruộng lòng người ấy. Đức Chúa Trời phán rằng hãy gieo hột giống Tin Lành bất luận thời gian và địa điểm. Trong số ấy cũng có những hột giống không nẩy mầm, tuy nhiên Đức Chúa Trời nhất định sẽ giúp chúng ta gặt nhiều như chúng ta đã gieo trồng. Tôi mong rằng tất thảy các anh chị em Siôn đều gieo trồng giống bất luận gặp thời hay không gặp thời, để cứu rỗi cả thế giới, và mở đường sự sống để muôn dân thế giới được trở về trong vòng tay của Đức Chúa Trời Cha Mẹ.
Nếu bởi công việc của xác thịt mà không có thời gian gieo cho phần linh hồn thì khi trở về Nước Thiên Đàng, chúng ta sẽ không có trái linh hồn để mang theo. Đức Chúa Trời phán rằng ai gieo giống chi, thì sẽ gặt giống nấy, nên mong tất thảy các anh chị em trở thành các đấng tiên tri tuyệt vời của thời đại này, dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời Cha Mẹ bằng cách gặt nhiều trái dư dật hơn nữa nhờ nỗ lực gieo trồng hột giống Tin Lành.