Nghiêm cấm in ấn và phổ biến Văn bản giảng đạo. Xin vui lòng ghi khắc ân huệ đã được nhận trong lòng và tỏa ra hương khí SIôn.
Đồng vắng và con đường đồng vắng đức tin
Kinh Thánh ghi chép chi tiết về những lịch sử đã qua để làm bài học và lời cảnh báo về đức tin cho các con cái của Đức Chúa Trời đang sống ở thời đại này. Quãng đường đồng vắng của người dân Ysơraên không đơn thuần là lịch sử đã qua, nhưng nó là hình và bóng của những sự sẽ xảy đến, và cũng là tấm gương và lời cảnh báo cho người dân Ysơraên phần linh hồn, là những người đang đi đường đức tin và hướng về xứ Canaan trên Nước Thiên Đàng. Trong quãng đường đồng vắng bốn mươi năm, người dân Ysơraên đã phải đối mặt với biết bao thử thách. Hãy nhìn lại lịch sử ấy để xem chúng ta có đang đi con đường đức tin hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời không?
Lịch sử đồng vắng được chép làm lời cảnh báo và làm gương cho chúng ta
3500 năm trước, khi ra khỏi xứ Êdíptô, người dân Ysơraên đã nghĩ rằng chỉ cần một tháng là quá đủ để đi đến đích, là xứ Canaan đượm sữa và mật. Vì con đường từ Êdíptô đến xứ Canaan không xa lắm, nên họ đã không thể tưởng tượng nổi phải đi bốn mươi năm quãng đường đồng vắng cằn cỗi.
Thế rồi, cuộc sống đồng vắng cứ thế trôi qua một ngày, hai ngày, lương thực chuẩn bị trong một tháng đã bị vơi cạn. Khi không có đồ ăn, họ bị kiệt sức bởi đói khát và bắt đầu nói tuôn ra những lời bất bình, bất mãn. Rốt cục, phần nhiều trong số dân Ysơraên đã lằm bằm và phản nghịch với Đức Chúa Trời, quên đi mục tiêu đức tin ban đầu, nên đã bị ngã xuống tại đồng vắng.
I Côrinhtô 10:1-12 “Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn cho anh em không biết tổ phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, chịu Môise làm phép báptêm trong đám mây và dưới biển, ăn một thứ ăn thiêng liêng; và uống một thứ uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình, và đá ấy tức là Đấng Christ. Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng. Mọi điều đó đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta chớ buông mình theo tình dục xấu, như chính tổ phụ chúng ta đã buông mình. Cũng chớ thờ hình tượng nữa, như mấy người trong họ… Chúng ta chớ dâm dục như mấy người trong họ đã dâm dục, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người bị bỏ mạng. Cũng chớ thử thách Chúa như mấy người trong họ đã thử thách mà bị loài rắn hủy diệt. Lại cũng chớ lằm bằm như mấy người trong họ đã lằm bằm mà bị chết bởi kẻ hủy diệt. Những sự ấy có nghĩa là hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời. Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.”
Kinh Thánh nói rằng trên con đường đồng vắng đức tin, ai đang tưởng rằng “đức tin của mình như vậy là đủ rồi” thì hãy giữ kẻo ngã. Ban đầu, người dân Ysơraên cũng đầy tin tưởng rằng họ sẽ được hưởng phước lành khi đi vào xứ Canaan, là xứ mà Đức Chúa Trời sắm sẵn cho họ. Tuy nhiên, cuộc sống đồng vắng ngày càng kéo dài và trở nên buồn tẻ, nên đức tin chắc chắn ban đầu của họ đã bị yếu đi, và họ thường lằm bằm và bất bình hơn là trông cậy vào Đức Chúa Trời mỗi khi gặp vấn đề dù là rất nhỏ. Hệ quả là trong số sáu trăm nghìn nam đinh trên 20 tuổi vào đương thời xuất Êdíptô, chỉ có hai người là Giôsuê và Calép là được vào vào vùng đất hứa Canaan.
Lằm bằm vì không có đồ ăn
Kinh Thánh nói rằng những việc xảy đến với người dân Ysơraên làm gương cho chúng ta, và để khuyên bảo chúng ta. Vậy, hãy có thời gian nhìn lại cụ thể dấu chân trên đường đồng vắng mà người dân Ysơraên đi qua, và kiểm tra xem đâu là yếu tố dẫn đến vấp ngã trên đường đồng vắng đức tin, để loại bỏ các yếu tố ấy.
Xuất Êdíptô Ký 16:1-16 “Nhằm ngày mười lăm tháng hai, sau khi ra khỏi xứ Êdíptô, cả hội chúng Ysơraên ở nơi Êlim đi đến đồng vắng Sin, nằm về giữa khoảng Êlim và Sinai. Cả hội chúng Ysơraên oán trách Môise và Arôn tại nơi đồng vắng, nói cùng hai người rằng: Ôi! thà rằng chúng tôi chịu chết về tay Đức Giêhôva tại xứ Êdíptô, khi còn ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán hê! Vì hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng nầy đều bị chết đói. Đức Giêhôva bèn phán cùng Môise rằng: Nầy, ta sẽ từ trên trời cao làm mưa bánh xuống cho các ngươi. Dân sự sẽ đi ra, mỗi ngày nào thâu bánh đủ cho ngày nấy, đặng ta thử dân coi có đi theo luật lệ của ta hay chăng. Qua ngày thứ sáu, dân sự sẽ dự bị phần đã góp, và sẽ được phần gấp bằng hai của mình thường thâu hằng ngày. Môise và Arôn bèn nói cùng dân Ysơraên rằng:… Chiều nầy Đức Giêhôva sẽ phát thịt cho các ngươi ăn, rồi sáng mai bánh nhiều dư dật, vì Ngài đã nghe lời các ngươi oán trách Ngài rồi. Thế thì, chúng ta là ai? Những lời oán trách chẳng phải đổ về chúng ta đâu, nhưng về Đức Giêhôva vậy…”
Trải qua một tháng trên đường đồng vắng, đồ ăn vơi cạn hết, cả hội chúng Ysơraên oán trách những người lãnh đạo họ. Những lời oán trách ấy lại chính là oán trách lên Đức Chúa Trời.
Tất nhiên, người dân Ysơraên không ở trong điều kiện tốt và hoàn cảnh an lạc khi họ oán trách lên Đức Chúa Trời. Họ đã ở trong hoàn cảnh bất lợi mà rất dễ để lằm bằm, oán trách. Theo quan điểm của loài người chúng ta thì có ai không bất bình và oán trách khi không có đồ ăn và đồ uống không? Khi đi trên đường đồng vắng ảm đạm, khô cằn không có lấy một nhánh cây, và ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống như thiêu như đốt, họ không thể tìm thấy một tia hy vọng nào. Trông thấy những điều kiện, hoàn cảnh ấy, họ chỉ biết oán trách mà thôi. Tuy nhiên, kể từ giây phút ấy, người dân Ysơraên đã quên sạch lời phán của Đức Chúa Trời rằng Ngài ở cùng họ.
Khi Đức Chúa Trời nghe lời oán trách của người dân Ysơraên, Ngài đã ban cho họ đồ ăn hàng ngày. Đức Chúa Trời đã từ trên trời cao làm mưa bánh mana xuống cho người dân Ysơraên. Bởi cách đó, Ngài đã tỏ ra cho họ biết rằng Đức Chúa Trời đang sống và làm việc, và không việc gì mà Ngài không thể làm được. Đây chính là cách Đức Chúa Trời làm thức tỉnh người dân Ysơraên.
Lằm bằm vì không có nước uống
Những người vững tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời đã không bị lung lay bởi bất kỳ hoàn cảnh nào, và gìn giữ đức tin cho đến phút cuối; nhưng những người quên đi lời hứa của Đức Chúa Trời, và chỉ nhìn vào những hoàn cảnh khó khăn trước mắt, đã không thể chịu đựng trước những khó khăn tạm thời, và chỉ luôn cất cao giọng oán trách Đức Chúa Trời. Họ cũng đã quên mất ân điển của Đức Chúa Trời, là Đấng giải cứu họ; khi hết đồ ăn họ oán trách vì không có đồ ăn, khi không có nước uống họ lại oán trách vì không có nước, và nói rằng thà cứ ở xứ Êdíptô còn tốt hơn.
Xuất Êdíptô Ký 17:1-7 “Cả hội chúng Ysơraên đi từ đồng vắng Sin, đi từng trạm, tuỳ theo lịnh Đức Giêhôva, đóng trại tại Rêphiđim; ở đó chẳng có nước cho dân sự uống. Dân sự bèn kiếm cớ cãi lộn cùng Môise mà rằng: Hãy cho chúng tôi nước uống. Môise đáp rằng: Sao các ngươi kiếm cớ cãi lộn cùng ta? Sao ướm thử Đức Giêhôva vậy? Dân sự ở đó không có nước, bị khát, nên oán trách Môise mà rằng: Sao người khiến chúng tôi ra xứ Êdíptô, hầu cho chúng tôi, con và các bầy súc vật phải chịu chết khát thế nầy? Môise bèn kêu cầu Đức Giêhôva mà rằng: Tôi phải xử thế nào cùng dân nầy? Thiếu điều họ ném đá tôi!... ngươi hãy đập hòn đá, thì nước từ đó chảy ra, dân sự sẽ uống lấy. Môise bèn làm như vậy trước mặt các trưởng lão Ysơraên…”
Thời đại này cũng giống thời đại đồng vắng, đối với mỗi chúng ta chắc chắn cũng xảy ra những hoàn cảnh khiến phải oán trách, có khác thì chỉ là khác về loại hình thôi. Bởi nếu trong gương phản chiếu một hình bóng nào đó, thì đương nhiên phải có tồn tại của vật thể thật giống với hình bóng đó.
Những người lằm bằm và oán trách là những người không đủ điều kiện để đi vào Nước Thiên Đàng. Chúng ta phải luôn luôn suy nghĩ về Đức Chúa Trời. Chúng ta phải dâng lên cảm tạ vì đã được gặp Đức Chúa Trời trên con đường đức tin, và nhận lãnh được lời hứa đi vào Nước Thiên Đàng. Nếu không biết cảm tạ, mà chỉ xem xét những điều kiện phần thể xác, thì sẽ dễ dàng vấp ngã khi phải đối mặt với khó khăn và thử thách.
Những người lãng quên Đức Chúa Trời
Những người Ysơraên mà vốn không ngừng bất bình và oán trách, đã lãng quên tồn tại của Đức Chúa Trời và dẫn đến thờ hình tượng.
Xuất Êdíptô Ký 32:1-12 “Dân sự thấy Môise ở trên núi chậm xuống, bèn nhóm lại chung quanh Arôn mà nói rằng: Nào! Hãy làm các thần để đi trước chúng tôi đi, vì về phần Môise nầy, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Êdíptô, chúng tôi chẳng biết điều chi đã xảy đến cho người rồi. Arôn đáp rằng: Hãy lột những vòng vàng đeo nơi tai vợ, con trai và con gái các ngươi đi, rồi đem lại cho ta. Hết thảy đều lột vòng vàng nơi tai mình mà đem lại cho Arôn; người nhận lấy nơi tay họ, và dùng đục làm thành một con bò đúc. Dân chúng nói rằng: Hỡi Ysơraên! Nầy là các thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Êdíptô. Arôn thấy vậy, bèn lập một bàn thờ trước mặt tượng bò đó; đoạn, người la lên rằng: Sáng mai sẽ có lễ tôn trọng Đức Giêhôva! Sáng mai dân chúng bèn thức dậy sớm, dâng các của lễ thiêu và lễ thù ân; ngồi mà ăn uống, đoạn đứng dậy mà vui chơi…”
Môise đã lên núi Sinai để nhận hai bảng đá Mười Điều Răn từ Đức Chúa Trời, nhưng đã trải qua bốn mươi ngày mà Môise vẫn chưa xuống núi. Người dân Ysơraên đã quá mệt mỏi vì chờ đợi Môise, đã làm ra con bò bằng vàng và thờ nó. Khi tai vạ hủy diệt tất thảy các con trưởng của Êdíptô giáng xuống, Đức Chúa Trời đã giải cứu người dân Ysơraên bằng Lễ Vượt Qua; người dân Ysơraên đã ngạc nhiên và không ngớt cảm tạ trước quyền năng của Đức Chúa Trời. Chẳng bao lâu sau đó, người dân Ysơraên đã được chứng kiến kỳ tích Biển Đỏ, họ đã kính sợ Đức Chúa Trời, là Đấng đã đánh lui Pharaôn và đạo binh mà đã đuổi theo họ. Vậy mà chỉ sau đó mấy tháng, khi đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, người dân Ysơraên đã từ bỏ Đức Chúa Trời.
Vào lúc ra khỏi xứ Êdíptô, họ đã tin rằng Đức Chúa Trời ở cùng họ, nhưng đức tin ấy đã tan biến trong khoảnh khắc. Họ đã quên mất tấm lòng cảm tạ ban đầu dâng lên Đức Chúa Trời, là Đấng đã giải cứu họ ra khỏi xứ Êdíptô, nơi mà họ đã làm nô lệ suốt hơn 400 năm; và định phán đoán thế giới đức tin thông qua duy chỉ hoàn cảnh phần xác. Kết cục, họ đã oán trách, nghi ngờ và thử Đức Chúa Trời trong các hoàn cảnh như không có đồ ăn, không có nước uống, không có người dẫn.
Dân Số Ký 13:1-33 “ Đức Giêhôva phán cùng Môise rằng: hãy sai những người đi do thám xứ Canaan, là xứ ta ban cho dân Ysơraên. Về mỗi một chi phái, các ngươi phải sai một người đi; mỗi người làm quan trưởng của chi phái mình. Tuỳ theo mạng Đức Giêhôva, Môise đi từ đồng vắng Pharan sai các người nầy đi; hết thảy là quan trưởng của dân Ysơraên… Calép bèn làm cho dân sự, đương lằm bằm cùng Môise nín lặng đi, mà nói rằng: Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được. Nhưng những người đi cùng Calép nói rằng: Chúng ta không đi lên cự dân nầy được, vì chúng nó mạnh hơn chúng ta. Trước mặt dân Ysơraên, các người đó phao phản xứ mình đã do thám mà rằng…”
Lúc này cũng vậy, mười người trong số mười hai người đi do thám xứ Canaan trở về, đã báo cáo một cách tiêu cực và phao phản xứ mà họ đã do thám. Chỉ Giôsuê và Calép, là hai người có đức tin trước sau như một rằng Đức Chúa Trời ở cùng họ, từ khi họ ra khỏi xứ Êdíptô cho đến khi đi vào xứ Canaan, đã dấy lên sức mạnh và dũng khí của dân sự bằng cách nói rằng họ có thể đi vào xứ Canaan nếu trông cậy vào Đức Chúa Trời (Tham khảo: Dân Số Ký 14:1-10).
Ngày nay, các người nhà Siôn đang hoàn thành Tin Lành Thế Giới trong sự vâng phục mệnh lệnh của Đức Chúa Trời rằng rao truyền Tin Lành ra khắp xứ Samari và đầu cùng đất theo lời tiên tri Kinh Thánh. Trong quá trình này, cũng có hai loại người: có những người nhà đi đường đức tin trong khi vững tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Tin Lành này sẽ được rao truyền khắp thế gian, ngay cả trong điều kiện vất vả và khó khăn; cũng có những người mệt mỏi chán chường và đổ lỗi cho điều kiện và hoàn cảnh mà mình gặp phải.
Đức Chúa Trời đã sắm sẵn nước ở nơi không có nước, và sắm sẵn đồ ăn ở trên sa mạc hoang vắng. Thông qua lịch sử Xuất Êdíptô, và lịch sử bốn mươi năm đồng vắng, chúng ta có thể hiểu được rằng Đức Chúa Trời cho người dân của Ngài thấy nhiều công việc lạ lùng khi họ gặp khó khăn, trở ngại và thử thách, hơn là khi họ bình yên và an toàn.
Hãy nhớ lời hứa của Đức Chúa Trời
Tìm hiểu tiếp lịch sử ở thời đại đồng vắng, chúng ta sẽ thấy những kẻ ác xuất hiện, xúi giục dân chúng kết bè đảng, và toan tính phản nghịch Đức Chúa Trời.
Dân Số Ký 16:1-35 “Vả, Côrê, con trai của Dítsêha, cháu của Kêhát, chít của Lêvi, giục theo mình Đathan và Abiram, con trai của Êliáp, cùng với Ôn, con trai của Phêlết, cháu Rubên. Các người nầy với hai trăm năm mươi người trong dân Ysơraên, vốn là quan tướng của hội nghị viên của hội đồng, có danh giá, đều hiệp nhau dấy nghịch cùng Môise và Arôn, mà rằng: Thôi đủ rồi! vì cả hội chúng đều là thánh, và Đức Giêhôva ngự ở trong; vậy sao các ngươi tự cao trên hội chúng của Đức Giêhôva?... Côrê hiệp cả hội chúng nghịch lại Môise và Arôn tại cửa hội mạc; sự vinh quang của Đức Giêhôva hiện ra cùng cả hội chúng… đất ngay dưới chân họ bèn nứt ra; hả miệng nuốt họ, gia quyến và hết thảy phe Côrê cùng tài sản của chúng nó. Các người đó còn đương sống và mọi vật chi thuộc về họ đều xuống âm phủ; đất lấp lại và chúng nó bị diệt khỏi hội chúng…”
Côrê và hết thảy phe của người không những không giúp đỡ Môise, là người vất vả ngày đêm để dẫn dắt rất nhiều người dân, mà lại còn nhóm hiệp những người bất mãn với Môise, toan tính phản nghịch bằng cách đối mặt với quyền lực của Môise, người dẫn dắt họ. Thế nên Đức Chúa Trời đã làm nứt đất dưới chân họ, hả miệng nuốt họ, gia quyến và hết thảy phe Côrê. Bằng cách ấy Đức Chúa Trời đã trừng trị những kẻ ác, và ban thắng lợi cho Môise, là người luôn làm mọi sự theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Ngoài ra, trên đồng vắng cũng không ngừng xảy ra rất nhiều những sự kiện khiến người dân Ysơraên bị vấp ngã và hủy diệt, bao gồm cả sự kiện con rắn đồng. Người dân Ysơraên đã được thoát khỏi ách áp bức của người Êdíptô bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, kể cả đạo binh của Pharaôn đuổi theo họ cũng bị hủy diệt, nên họ không cần phải sợ hãi kẻ thù nghịch bên ngoài hơn nữa, nhưng thay vào đó họ phải chiến đấu với kẻ thù mới bên trong chính bản thân họ, mà không ngừng thử thách họ.
Chúng ta đang hướng về xứ Canaan trên trời trong những hoàn cảnh phần linh hồn tương tự như vậy. Oán trách, bất bình, và các loại thử thách sẽ tăng lên khi đức tin chúng ta yếu đi, hoặc khi chúng ta lười biếng, hoặc khi chúng ta lãng quên Đức Chúa Trời. Hãy nhìn lại đức tin của mỗi người và tự ngẫm xem chúng ta có đang sống cuộc đời đức tin xứng đáng với Đức Chúa Trời Cha Mẹ không. Nếu vẫn có điểm nào đó thiếu sót, thì chúng ta phải rước Đức Chúa Trời Êlôhim trong tận sâu thẳm đáy lòng hơn nữa, và đi con đường đồng vắng đức tin bằng lòng cảm tạ, với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời.
Hành trình bốn mươi năm đồng vắng chẳng qua chỉ là quá trình đi vào xứ Canaan. Đó là chuyến đi cực nhọc, nhưng cuối cùng Đức Chúa Trời chẳng đã ban xứ Canaan cho người dân Ysơraên rồi sao? Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi lời hứa của Ngài. Tuy nhiên, cho tới khi lời hứa của Đức Chúa Trời được trọn vẹn, rất nhiều người Ysơraên đã bị vấp ngã và bị loại bỏ giữa chừng. Chúng ta không nên ngốc ghếch đi theo vết xe đổ của họ.
Hãy rút ra bài học từ lịch sử đồng vắng, là tấm gương mà Đức Chúa Trời sắm sẵn vì sự cứu rỗi của chúng ta, và hãy bước đi trên đường đồng vắng đức tin một cách đầy ân huệ cho tới khi vào được xứ Canaan phần linh hồn. Đức Chúa Trời Êlôhim đích thân dẫn dắt chúng ta vào Nước Thiên Đàng vĩnh cửu. Nên tôi rất mong các gia đình Siôn đều tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, và chạy đến tận cùng con đường đức tin, để tất thảy chúng ta đều được cứu rỗi.