Nghiêm cấm in ấn và phổ biến Văn bản giảng đạo. Xin vui lòng ghi khắc ân huệ đã được nhận trong lòng và tỏa ra hương khí SIôn.
Người có điều ưa muốn của Thánh Linh và người có điều ưa muốn của xác thịt
Đức Chúa Trời dặn dò chúng ta rằng hãy luôn có điều ưa muốn của Thánh Linh. Thánh Linh chính là Đức Chúa Trời, nên điều ưa muốn của Thánh Linh chính là tấm lòng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, và là tấm lòng đồng nhất với Đức Chúa Trời. Ngược lại, Satan thổi vào trong chúng ta điều ưa muốn của xác thịt, hòng khiến chúng ta cách xa với công việc của linh hồn.
Khi cám dỗ Đức Chúa Jêsus đang bắt đầu công việc Tin Lành, Satan cũng đã thử khiêu khích điều ham muốn của xác thịt bởi phú quý và công danh của thế gian. Ngược lại, lời đáp của Đức Chúa Jêsus luôn là lời đáp làm thức tỉnh về điều ưa muốn của Thánh Linh (Mathiơ 4:1-10).
Vậy thì, những người có điều ưa muốn của Thánh Linh là những người như thế nào, và những người có điều ưa muốn của xác thịt là những người như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một cách cụ thể thông qua Kinh Thánh.
Hãy bước đi theo Thánh Linh
Galati 5:16-17 “Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm.”
Lời này là lời dạy dỗ rằng nếu có nhiều điều ưa muốn của xác thịt thì chúng ta sẽ không có được điều ưa muốn của Thánh Linh mà chúng ta thật sự phải có; ngược lại, nếu có điều ưa muốn của Thánh Linh thì chúng ta có thể loại bỏ được điều ưa muốn của xác thịt. Điều ưa muốn của Thánh Linh ở trên lập trường trái ngược với điều ưa muốn của xác thịt. Điều ưa muốn của Thánh Linh trở nên mạnh mẽ thì chúng ta sẽ được thoát khỏi điều ưa muốn mang tính thế tục. Ngược lại, người có nhiều điều ưa muốn của xác thịt, tức là người có nhiều lòng tham thế tục, sẽ không thể không làm trái ý muốn chí thánh của Đức Chúa Trời.
Rôma 8:5-8 “Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh. Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an; vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được. Vả, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời.”
Người có nhiều điều ưa muốn của xác thịt thì không hề quan tâm tới công việc phần linh hồn. Người thể ấy suy nghĩ đến công việc xác thịt, còn người có nhiều điều ưa muốn của Thánh Linh thì suy nghĩ đến công việc linh hồn. Sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng (II Côrinhtô 4:18), nên điều mà chúng ta phải có chính là điều ưa muốn của Thánh Linh.
Vậy, làm thế nào để có thể có được điều ưa muốn của Thánh Linh? Nói thành một lời thì có thể nói rằng sự hạ thấp tấm lòng chính là điều kiện quan trọng nhất. Không hạ thấp được tấm lòng thì điều ưa muốn của Thánh Linh không thể ngụ ở giữa tấm lòng ấy được.
Điều ưa muốn của Thánh Linh có được khi hạ thấp
Trong Êsai chương 14 có ghi chép về cuộc sống kiếp trước của vua Babylôn. Người đã là thiên sứ từng ở vị trí vinh hiển là “sao mai, con trai của sáng sớm” trên vương quốc trên trời, nhưng tấm lòng đã trở nên kiêu ngạo mà dòm ngó tận ngôi vinh hiển của Đức Chúa Trời. Vì đặt tấm lòng ở nơi cao sang, nên điều ưa muốn của xác thịt, tức là điều ham muốn và tham vọng thế tục, chứ không phải điều ưa muốn của Thánh Linh, đã lấp đầy giữa tấm lòng ấy. Kết quả ấy là người phản nghịch và phải đón chịu sự bất hạnh bị đuổi xuống trái đất này.
Satan mong muốn cả nhân loại đều có tấm lòng kiêu ngạo thể này. Đức Chúa Trời đã đến trái đất này, trở nên “Người hầu việc” và tự ngụ ở nơi thấp. Khi hạ thấp bản thân mình và nhìn trông mọi thứ thì có thể có được tấm lòng của Đức Chúa Trời, nhưng nếu hạ thấp người khác xuống bởi tấm lòng kiêu ngạo thì tấm lòng của Satan sẽ chiếm chỗ trong tấm lòng mình.
Rôma 12:16-18 “Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhường. Chớ cho mình là khôn ngoan. Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.”
Đặt tấm lòng ở nơi cao sang và đặt tấm lòng ở nơi thấp, có thể coi rằng đây chính là điểm phân chia để quyết định có điều ưa muốn của xác thịt, hay có điều ưa muốn của Thánh Linh.
Từ tiếng Anh ‘understand’ có nghĩa là hiểu. Ấy là từ được hình thành bởi sự kết hợp của ‘under’ và ‘stand’, mà ‘under’ có nghĩa là ở dưới còn ‘stand’ có nghĩa là đứng. Khi đứng ở phía dưới mà nhìn trông hết thảy mọi sự vật thì sẽ không có điều gì là không thể hiểu được cả. Hiểu được kể cả trường hợp của người này, cũng hiểu được kể cả trường hợp của người kia nữa.
Đứng ở nơi cao thì không thể hiểu phía thấp được. Từ tiếng Anh ‘look’ có nghĩa là nhìn, mà từ ‘look down’ thì ngoài nghĩa cơ bản là ‘nhìn xuống’, còn có nghĩa là “xem thường, coi thường” nữa. Nhìn thì nhìn đấy, nhưng vì nhìn hướng xuống phía dưới, nên trở thành từ có ý nghĩa là xem thường, coi thường. Đặt tấm lòng mình ở nơi cao sang và nhìn sự vật, nên thấy hết thảy đều đáng coi thường cả.
Từ trái nghĩa của ‘look down’ là ‘look up’, nghĩa là nhìn hướng lên trên. Trong từ ‘look up’ còn bao hàm ý nghĩa là tôn kính, tôn trọng nữa. Đặt bản thân mình xuống phía dưới và đặt hết thảy sự vật hoặc người lên trên và nhìn lên, nên trông thấy hết thảy thiên la vạn tượng mà Đức Chúa Trời dựng nên đều đáng tôn kính cả. Có thể hiểu được hết thảy hoàn cảnh của mọi người và mọi sự vật.
Những người có điều ưa muốn của xác thịt luôn nâng cao bản thân mình. Có tấm lòng cao sang, thì hạ thấp hết thảy mọi sự vật. Vì đặt mình ở nơi cao sang nên nhìn trông mọi vật đều ở phía dưới. Thế thì sẽ phát sinh lằm bằm, phát sinh tấm lòng hờn dỗi, lại phát sinh bất bình, bất mãn bởi cớ người ta không đối xử với mình ở mức độ cao sang ấy.
Cho nên, phương pháp có được điều ưa muốn của Thánh Linh là đứng ở nơi thấp. Gắng sức đứng ở nơi cao sang thì sẽ bị rơi vào con đường hủy diệt giống như sao mai, con trai của sáng sớm, nên Đức Chúa Trời đã hầu cho chúng ta đứng ở nơi thấp.
Điều ưa muốn của Thánh Linh mà Ápraham có
Nhân vật tiêu biểu có điều ưa muốn của Thánh Linh là Ápraham, tổ tiên của đức tin. Khi Ápraham cùng sống với người cháu mình là Lót, thì cả hai đã sở hữu đầy tớ và gia súc riêng. Ban đầu, dù chăn thả gia súc thỏa thích thì cũng không có sự xung đột, nhưng mảnh đất thì hạn hẹp còn đàn gia súc thì hàng năm lại càng sanh sản nhiều thêm, nên đã xảy ra sự cãi lẫy lẫn nhau giữa bọn chăn chiên của Ápraham và bọn chăn chiên của Lót, vì đều muốn cho bầy bò và bầy chiên của mình uống nước và ăn cỏ trước. Ápraham đã gọi Lót và đưa ra đề nghị.
Sáng Thế Ký 13:8-12 “Ápram (Ápraham) nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả. Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giôđanh, là nơi (trước khi Đức Giêhôva chưa phá hủy thành Sôđôm và Gômôrơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giêhôva và như xứ Êdíptô vậy. Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giôđanh và đi qua phía Đông. Vậy, hai người chia rẽ nhau. Ápram ở trong xứ Canaan, còn Lót ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sôđôm.”
Tại đây, chúng ta có thể thấy được tấm lòng của người có điều ưa muốn của Thánh Linh. Ápraham là bậc bô lão chức cao nhất trong gia đình, thế mà đã cho cháu mình lựa chọn trước vùng đất tốt. Lót đã lựa chọn vùng đất Sôđôm và Gômôrơ, là nơi có nhiều nước và đồng cỏ cũng phong phú dư dật, còn Ápraham đã lựa chọn vùng đất trông không tốt bằng nơi ấy. Song, vùng đất Sôđôm và Gômôrơ mà trông tốt đẹp vào đương thời ấy, sau này đã trở thành nơi bị chịu hình phạt từ Đức Chúa Trời, còn vùng đất Canaan mà Ápraham đã chọn đã trở thành cơ nghiệp đời đời cho người và con cháu của người trong sự phước lành của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 17:8, 19:24-29).
Bản thân Ápraham đã đứng ở vị trí thấp và đã đặt cháu mình ở vị trí cao. Xét theo thứ bậc trong gia đình, thì dù Ápraham chiếm thứ tốt hơn đi chăng nữa thì Lót cũng ở trong lập trường phải nghe theo. Dù vậy mà Ápraham đã ban cho Lót quyền lợi được lựa chọn trước, và cho phép Lót được trú ngụ ở nơi tốt đẹp. Người có điều ưa muốn của Thánh Linh luôn hạ thấp bản thân mình như thế này.
Bầy gia súc tăng nhiều nên đã xảy ra phân tranh, nhưng sự việc đã được giải quyết một cách tốt đẹp bởi Ápraham đã nhường cái tốt cho Lót. Giống như vậy, ngày nay ở trong Tin Lành, khi các người nhà Siôn càng tăng thêm nhiều, thì các người nhà tiếp nhận lẽ thật trước càng cần phải có điều ưa muốn của Thánh Linh giống như Ápraham. Khi có điều ưa muốn của Thánh Linh, nhường và chia sẻ thứ tốt cho các anh em thì sẽ nhận được phước lành lớn lao hơn khi đặt tấm lòng vào lợi ích trước mắt, mà trông có vẻ tốt đẹp ngay lúc ấy. Người có điều ưa muốn của Thánh Linh luôn hạ thấp bản thân mình và nhường cái tốt cho người khác, nhưng Đức Chúa Trời sẽ trả cho người ấy bởi phước lành lớn lao hơn nữa. Chúng ta phải ghi nhớ điểm này.
Đạo lý của tình yêu thương được hoàn thành bởi điều ưa muốn của Thánh Linh
Ngày nay, các con cái Siôn đang trở về Siôn như nước vỡ bờ. Để các người nhà vốn có điều ưa muốn của xác thịt được cởi bỏ bụi thế gian và được tinh sạch khi vào trong Siôn, thì chúng ta - những người tiếp nhận lẽ thật trước phải lấp đầy bên trong chúng ta bởi điều ưa muốn của Thánh Linh, làm gương ân huệ cho họ, và dẫn dắt họ vào con đường đúng đắn.
Dù ở trong gia đình, dù ở trong Hội Thánh, hãy luôn thử đứng ở vị trí thấp. Đứng ở vị trí thấp thì chồng có thể hiểu được vợ, vợ có thể hiểu được chồng, cha mẹ cũng có thể hiểu được con cái. Gia đình hiểu cho nhau và chăm sóc lẫn nhau luôn có hòa bình và tràn đầy niềm vui cùng hạnh phúc. Sống theo điều ưa muốn của Thánh Linh, theo lời của Đức Chúa Trời thì có thể đạt được Nước Thiên Đàng kể cả ở trong gia đình lẫn kể cả ở trong Hội Thánh.
Đặt mình ở vị trí cao thì sẽ không thể hiểu lời nói và hành động của người khác. Sẽ bất mãn mọi thứ và luôn phát sinh phân tranh bởi suy nghĩ rằng “Sao lại không làm được như thế này chứ?”, “Sao lại không làm cho như thế này chứ?”, “Sao lại làm ra tình huống thế này chứ?” Ai ai cũng nâng mình lên cao thì sao có thể trở nên một được đây?
Đức Chúa Trời - Đấng cao nhất trên cả vũ trụ đã đến tận trái đất này trong hình dáng xác thịt vì chúng ta, và Ngài đã làm gương đạo lý hầu việc với tư cách là Người thấp nhất. Chúng ta cũng phải tôn trọng, hầu việc mà phụng sự những người khác bằng tấm lòng thế này, làm hết sức trong việc kiếm tìm anh em chị em trên trời bị mất, và sau khi đã kiếm tìm được rồi thì phải gắng sức chăm sóc tốt cho họ để cùng nhau đạt đến sự cứu rỗi. Đây chính là hình ảnh của những người có điều ưa muốn của Thánh Linh, và là phương thức của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời cho biết.
Gộp hết thảy điều này thành một thì ấy là tình yêu thương. Tình yêu thương là trọng hơn cả. Vì Đức Chúa Trời là Sự Yêu Thương, nên Ngài đã bỏ lại sau lưng vinh hiển trên trời mà đến trái đất này, hạ thấp bản thân Ngài và hầu việc, thậm chí còn đã vác cả gánh nặng thập tự giá thế cho tội lỗi của chúng ta nữa.
I Côrinhtô 13:1-4 “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi. Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị...”
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta điều răn mới là “Các ngươi phải yêu nhau.” (Giăng 13:34). Không phải ai đó chỉ chia sẻ một cách đơn phương, còn ai đó chỉ nhận một cách đơn phương; mà ở trong giao ước mới, hết thảy mọi chúng ta đều phải thực tiễn tình yêu thương. Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ghen tị. Tình yêu thương chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng khoe mình, cũng chẳng lên mình kiêu ngạo. Nâng cao bản thân mình lên thì không thể nào thực tiễn nổi dù là một thuộc tính của tình yêu thương thế này mà Kinh Thánh liệt kê.
Đức Chúa Trời đã làm thức tỉnh sự thật rằng chúng ta vốn lẽ là tội nhân phạm tội ở trên trời, và dặn dò nhiều lần rằng “Hãy hạ thấp và ăn năn hối cải.”, “Đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhường.” Khi làm như vậy thì chúng ta mới có thể thể hiện Nước Thiên Đàng ngay từ trái đất này, và có thể đạt đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu nữa.
Hêbơrơ 10:23-25 “Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín. Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.”
Không đứng ở nơi thấp, thì không thể nào chăm sóc lẫn nhau được. Đứng ở vị trí cao thì hết thảy mọi người phải hầu việc mình chứ, sao mà mình chăm sóc các người nhà được đây? Đứng ở nơi thấp thì có thể hiểu được hết thảy mọi điều và có thể chia sẻ được tình yêu thương nữa. Ở nơi như vậy sẽ sinh ra sự hy sinh và phụng sự vì nhau.
Ở trong đức tin, các anh em chị em phải chăm sóc lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau, và lại không nên chỉ nhận lấy tình yêu thương mà Đức Chúa Trời ban cho thôi, mà chúng ta cũng phải yêu mến Đức Chúa Trời đến mức ấy nữa. Khi điều ưa muốn của Thánh Linh, tức là tình yêu thương của Đức Chúa Trời, được lấp đầy trong chúng ta thì mới có thể kết được trái đẹp đẽ.
Các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau
Siôn mà Đức Chúa Trời ngụ là địa điểm ân huệ mà hết thảy những người đi vào đều nhận được sự an ủi và phước lành. Mong các anh chị em đều trở thành các người nhà Siôn sung mãn điều ưa muốn của Thánh Linh, để hầu cho hết thảy mọi người trải nghiệm được sự thật rằng Đức Chúa Trời ở cùng với chúng ta, thông qua không chỉ lời Kinh Thánh mà còn thông qua việc làm của chúng ta nữa.
I Côrinhtô 12:17-27 “Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định. Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân. Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chân rằng: Ta chẳng cần đến bay. Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn, còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác cùng vui mừng. Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy.”
Kể cả trong nội bộ Hội Thánh Sơ Khai, thỉnh thoảng cũng đã có lúc xảy ra phân tranh. Những người không cảm tạ trọn vẹn ân huệ của sự cứu rỗi này đã có điều ưa muốn của xác thịt, đặt mình lên vị trí cao, và ngó nhìn xuống những người khác ở phía dưới, nên đã phát sinh bất bình bất mãn và sự cãi lẫy về vị trí.
Kể cả ở trong Hội Thánh, cũng có vai trò và thứ tự mà Đức Chúa Trời quy định cho mỗi người. Chúng ta là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy. Chân bất bình rằng nó chỉ luôn ở dưới nền đất, rồi leo lên trên đầu thì sẽ ra sao đây? Chỉ khi chân ở vị trí của chân, mặt ở vị trí của mặt thì mới đẹp đẽ. Chi thể nào cũng đặt tấm lòng mình lên phía cao sang và bỏ trốn khỏi vị trí của mình, thì sự cân bằng của toàn thể sẽ bị đổ sụp và trở nên thân thể không trọn vẹn. Lời của sứ đồ Phaolô rằng “Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy đều là thầy giáo sao?” phê phán chính phần này (I Côrinhtô 12:28-30).
Chúng ta phải làm hết đạo lý phụng sự, hầu việc và dẫn dắt các người nhà bằng lời, theo điều ưa muốn của Thánh Linh để nhiều người nhà hơn nữa được nhận lấy phước lành, hơn là đề cao bản thân mình và theo đuổi chức vụ và chức trách bởi bị lôi kéo vào điều ưa muốn của xác thịt. Mỗi người chúng ta đều có thể làm được hết sứ mệnh Tin Lành, nhiều bao nhiêu cũng được, tại vị trí mà Đức Chúa Trời đã lập nên cho, nhân viên thì ở công sở, học sinh thì ở trường học, người nội trợ thì ở gia đình và hàng xóm. Mong hết thảy chúng ta luôn có điều ưa muốn của Thánh Linh và liên hợp với nhau với tư cách là chi thể của Đấng Christ, nhờ đó đi theo bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời dẫn dắt.
Chớ kiêu ngạo, chớ có tấm lòng cao sang. Có tấm lòng như vậy thì điều ưa muốn của xác thịt sẽ lôi kéo tấm lòng khiến cho trở nên kẻ thù với Đức Chúa Trời. Đừng quên mất quá khứ chúng ta là tội nhân trên trời; mà hãy hạ thấp mình hơn nữa, với tấm lòng luôn cảm tạ lên ân huệ của Đức Chúa Trời đã lấy chúng ta làm con cái Ngài và hầu cho chúng ta được ngụ trong Siôn, rồi liên hiệp và liên kết với nhau, nhờ đó đảm đương hết thảy vai trò với tư cách là chi thể trọn vẹn của Đấng Christ. Mong các người nhà Siôn nhường nhịn nhiều, tha thứ và nhẫn nại với tư cách là người có điều ưa muốn của Thánh Linh, lại dốc sức trong việc kiếm tìm những người mất và săn sóc tốt cho các người nhà đã tìm kiếm được, để hết thảy đều được đi vào con đường của sự cứu rỗi.